Thứ Hai | 24/12/2012 08:12

Tăng trưởng tín dụng châu Á lên mức báo động

Châu Á trụ vững trong giai đoạn suy giảm toàn cầu cũng dẫn đến xu hướng tiêu cực khi doanh nghiệp, hộ gia đình ồ ạt vay tín dụng giá rẻ.
Kinh tế châu Á đã chứng minh khả năng trụ vững trước các biến cố tài chính toàn cầu. Điều này khiến các nước như Indonesia, Malaysia và Thái Lan tăng nhu cầu tiêu dùng. Ở khu vực người dân vốn tích cực tiết kiệm này, ngày nay, nhu cầu vay tín dụng bắt đầu tăng mạnh khi lãi suất cho vay hạ xuống mức cực thấp.

Trong khi Ngân hàng thế giới (World Bank) khuyến khích các nước châu Á dựa nhiều hơn vào nhu cầu tiêu thụ nội địa, một số chuyên gia cảnh báo tăng trưởng tín dụng ở châu Á có thể tạo điều kiện cho một cuộc khủng hoảng mới.

Chuyên gia nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC, ông Frederic Neumann nois: “Tôi cho rằng, chúng ta đang ở giai đoạn đầu chu kỳ nợ ở châu Á. Chúng ta có thể thấy một số biểu hiện ban đầu của bong bóng nợ và theo tôi cần phải theo dõi chặt chẽ”.

Theo số liệu của HSBC, tín dụng ngân hàng trên GDP khu vực châu Á không gồm Nhật Bản giảm xuống còn khoảng 80% trong những năm đầu thế kỷ này, tuy nhiên bắt đầu tăng trở lại, và đáng chú ý là 2 năm vừa qua. Đây là một chỉ số đo lường mức cho vay đối với doanh nghiệp và hộ gia đình.

1assaf
Biểu đồ so sánh tỷ lệ tín dụng ngân hàng trên GDP các nước, vùng lãnh thổ châu Á năm 2007 và 2012.

Tính đến tháng 6, tỷ lệ tín dụng trên GDP châu Á tăng lên 104%, vượt tỷ lệ trong giai đoạn khủng khoảng khu vực những năm 90 và vượt con số 82% vào tháng 12/2007. Ở Trung Quốc, tỷ lệ tín dụng ngân hàng trên GDPP tăng lên 120% vào tháng 6 năm nay từ 100% năm 2007. Ở Hong Kong tăng lên 275% từ 183%, Singapore từ 87% lên 137%, Malaysia từ 96% lên 117%, Thái Lan từ 74% lên 98%.

Ngươc lại, khu vực đồng euro (eurozone) tỷ lệ này có xu hướng tăng chậm hơn từ 123% lên 131%, trong khi Mỹ giảm từ 63% xuống 62%.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, sự gia tăng tỷ lệ tín dụng trên GDP vượt quá 5%/năm cùng với sự gia tăng giá cổ phiếu ít nhất 15% cho thấy 20% nền kinh tế có nguy cơ khủng hoảng trong vòng 2 năm tới.

Ông Neumann nhận định, với tốc độ tăng trưởng tín dụng như hiện tại ở châu Á, một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong vòng 2-3 năm tới. “Tất cả khu vực Đông Bắc Á, Singapore, Malaysia và Thái Lan đều có nguy cơ này”, ông nói.

Hồi tháng 10, World Bank cảnh báo, các nền kinh tế châu Á đang ở giai đoạn tăng trưởng tín dụng cao, các chính phủ cần thận trọng và có hành động kịp thời, phù hợp nhằm ngăn dòng tiền nóng.
Chính sách tiền tệ của châu Á hiện nới lỏng hơn trước giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng tín dụng quá mức có thể làm suy yếu ngành xuất khẩu.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện