Thứ Tư | 04/09/2013 07:50

Tăng trưởng kinh tế trong một thế giới, hai tốc độ

Sự phục hồi đang chờ đợi các nền nước phát triển, trong khi đà suy thoái tại các nền kinh tế mới nổi đang đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu.

Theo báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu mới được Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) công bố hôm qua 3/9, một sự phục hồi thực sự với tốc độ vừa phải sẽ xảy ra đối với các nước công nghiệp phát triển, sau hàng loạt những số liệu tăng trưởng trong quý II đã tốt hơn mong đợi.

Khu vực Bắc Mỹ, Nhật Bản và Anh đã tìm lại tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ, trong khi khu vực đồng euro cũng vừa thoát khỏi 6 quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Kinh tế Mỹ đã kết thúc một năm khó khăn cuối năm với dự báo tình hình tăng trưởng sẽ được củng cố hơn nữa vào nửa cuối năm nay. Tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III và quý IV được dự báo lần lượt tăng 2,5% và 2,7%, cao gần gấp đôi so với 1,1% và 2,5% của hai quý đầu tiên trong năm nay. Qua đó, OECD dự báo tỷ lệ tăng trưởng năm nay của nền kinh tế có thể đạt 1,7%.

Môi trường kinh doanh và sản xuất công nghiệp được cải thiện trong những tháng gần đây trong nhiều nền kinh tế phát triển. Thị trường bất động sản đã lấy lại sự phục hồi ở Mỹ, niềm tin người tiêu dùng đã tăng lên ở Nhật Bản và tình hình kinh tế trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) nhìn chung đã tốt hơn nhiều, ngay cả khi không phải tất cả các nước thành viên đều đã thoát khỏi suy thoái.

Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể tăng trưởng 1,6% năm 2013. Trong khi hai nước dẫn đầu khối eurozone là Pháp và Đức được dự báo tăng trưởng lần lượt 0,3% và 0,7% trong năm nay.

Trong số các quốc gia châu Âu, Anh là nơi có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng vượt bậc. GDP của Anh dự kiến sẽ giữ tốc độ tăng trưởng trên 3% trong nửa năm còn lại. Cụ thể, OECD dự báo kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 3,7% trong quý III, sau đó tiếp tục tăng 3,2% trong quý IV và tính chung cả trong cả năm 2013, tốc độ tăng trưởng GDP của Anh có thể đạt 1,5%.

Ngược lại, nhiều rủi ro đang đặt ra trước mặt các nền kinh tế đang phát triển và đặc biệt nghiêm trọng đối với các nước mới nổi như khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Nam Phi), trong bối cảnh nhiều khả năng dòng vốn sẽ đảo chiều mạnh mẽ hơn nữa khi tín hiệu rút bớt kích thích kinh tế ngày một rõ ràng hơn.

Khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa các nước OECD so với phần còn lại đang được thu hẹp
Khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa các nước OECD so với phần còn lại đang dần được thu hẹp.

Theo OECD, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đạt 7,4% trong năm 2013, phù hợp với mục tiêu đề ra của các nhà lãnh đạo nước này.

Tuy nhiên, trong toàn khối BRICS, tốc độ tăng trưởng hàng năm sẽ giảm hơn 1% trong tỷ lệ trung bình trong vòng 5 năm qua.

Áp lực đối với sự mất giá tiền tệ và sự di chuyển của dòng vốn đến nơi cho khả năng sinh lời cao hơn là nguyên nhân làm tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi chậm lại.

Bên cạnh đó, rủi ro còn đến với các nền kinh tế phát triển. Đặc biệt, tình trạng thất nghiệp đang dần trở nên nghiêm trọng tại châu Âu. Đối với các nhà kinh tế OECD, khu vực eurozone vẫn đang trong tình trạng dễ bị tổn thương và không thể loại trừ khả năng khủng hoảng mới đến tư các vấn đề tài chính, ngân hàng hay những căng thẳng về nợ công.

Vấn đề tài chính cũng đang trở nên cấp bách tại Mỹ. Một sự thất bại trong việc nâng trần nợ có thể dẫn đến việc cắt giảm hơn nữa trong chi tiêu công của chính phủ và chính quyền liên bang, qua đó làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng và thị trường Mỹ.

Như vậy, nhìn chung các nước phát triển như thành viên của OECD đang ngày càng tăng tốc, ngược lại là đà giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi như BRICS. Nhưng trong cả hai khu vực với hai xu hướng tăng trưởng khác nhau, những rủi ro tiềm ẩn vẫn còn không ít, có thể đe dọa chính sự tăng trưởng cũng như nhiều vấn đề khác trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng mong manh và phức tạp.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện