Hiện tại, có khoảng 2.350 centimillionaire đang sống ở Trung Quốc. Ảnh: CNBC.
Tầng lớp siêu giàu toàn cầu tăng mạnh trong thập kỷ qua như thế nào?
Trong thập kỷ qua, câu lạc bộ siêu giàu trên thế giới đã mở rộng đáng kể, trong đó Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu, theo báo cáo mới nhất từ New World Wealth và công ty tư vấn di trú đầu tư Henley & Partners. Số lượng centimillionaire, những cá nhân có tài sản đầu tư từ 100 triệu USD trở lên, đã tăng đến 29.350 người trên toàn cầu, tăng 54% so với 10 năm trước, đặc biệt là tại Trung Quốc và Mỹ.
“Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã trải qua một làn sóng bùng nổ của các centimillionaire, vượt trội so với các nước châu Âu”, ông Juerg Steffen, Giám đốc Điều hành của Henley & Partners, cho biết. Trung Quốc đã có một sự vươn lên ấn tượng, với số lượng centimillionaire (chỉ các cá nhân có tổng tài sản từ 100 triệu USD trở lên) tăng 108% trong 10 năm qua, vượt qua cả Mỹ, nơi tầng lớp siêu giàu tăng 81% trong cùng khoảng thời gian.
Theo ông Steffen, sự tăng trưởng của Trung Quốc phần lớn được thúc đẩy bởi các centimillionaire trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp. Hiện tại, có khoảng 2.350 centimillionaire đang sống ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đã chững lại trong những năm gần đây do sự suy giảm của lĩnh vực bất động sản, tỉ lệ thất nghiệp cao và tiêu dùng nội địa yếu. “Giai đoạn phát triển bùng nổ của những triệu phú Trung Quốc xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2020. Kể từ năm 2020, số lượng người siêu giàu tại quốc gia này chỉ tăng khoảng 10%”, ông Andrew Amoils, Chuyên gia phân tích tài sản của New World Wealth, cho biết.
Tuy nhiên, Henley & Partners khẳng định rằng, các thành phố như Hàng Châu và Thâm Quyến vẫn cho thấy tiềm năng để trở thành các trung tâm công nghệ mới nổi, dự kiến dân số centimillionaire sẽ tăng trưởng hơn 150% vào năm 2040.
Sự phát triển kinh tế tại hai thành phố này đã vượt qua mức tăng trưởng 5% của cả nước. GDP của Hàng Châu đã tăng 6,9% trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, Thâm Quyến tăng 5,9% so với cùng kỳ, nhờ vào ngành công nghiệp.
Từ nay đến năm 2040, ông Amoils vẫn kỳ vọng dân số centimillionaire tại Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh, với mức tăng từ 80% đến 100%. Cả Mỹ và Trung Quốc đều dự kiến sẽ vượt qua tốc độ tăng trưởng trung bình toàn cầu của centimillionaire, dự báo khoảng 75% vào năm 2040.
Báo cáo cũng ghi nhận một số thành phố châu Á và Trung Đông có tiềm năng tăng trưởng 150% về số lượng siêu giàu, bao gồm Đài Bắc, Dubai, Abu Dhabi và Bengaluru của Ấn Độ.
Ngược lại, các trung tâm lâu đời hơn như Zurich, Chicago, Moscow và Madrid dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng siêu giàu chậm chạp, dưới 50% trong những năm đến năm 2040.
Ngoài ra, ông Steffen cho biết châu Âu đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm do các thị trường chủ chốt như Đức, Pháp và Anh mở rộng chậm. Tuy nhiên, các thị trường nhỏ hơn như Monaco, Malta, Montenegro và Ba Lan lại ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng centimillionaire, tăng trên 75%.
Mỹ vẫn là trung tâm giàu có hàng đầu, với các thành phố như New York, Los Angeles và Vùng Vịnh San Francisco dự kiến sẽ tiếp tục tăng hơn 50% về số lượng siêu giàu.
Tuy nhiên, vị thế đứng đầu của Mỹ có thể phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. “Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và xu hướng di cư của centimillionaire, với sự khác biệt lớn về chính sách tài khóa, tiền tệ, kinh tế và xã hội”, ông David Young, Chủ tịch Ủy ban Phát triển Kinh tế tại tổ chức tư vấn The Conference Board, cho biết.
Nghiên cứu của Henley & Partners cũng cho thấy có sự gia tăng số lượng người giàu Mỹ xem xét các lựa chọn định cư và quốc tịch thay thế.
Có thể bạn quan tâm:
Đầu tư toàn cầu vào thịt nuôi cấy và thực phẩm thay thế giảm 67%
Nguồn CNBC