Tăng cung tiền - con dao hai lưỡi của BOJ
Quyết định tăng cung tiền lên 80 nghìn tỷ yên/năm mới đây của BOJ được cho là sẽ thúc đẩy các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay. Tuy nhiên, quyết sách này có thể gây tổn thương đến khối ngân hàng khi kéo giảm tỷ suất lợi nhuận và lãi suất dài hạn đối với hoạt động cho vay, theo nhận định của các chuyên gia.
Chuyên gia phân tích Shinichi Tamura tại Barclays ở Tokyo khẳng định, quyết sách vừa qua của BOJ sẽ chẳng mang lại điều tốt đẹp gì cho khối ngân hàng. Ông Tamura thậm chí còn cho rằng, BOJ sẽ gặp rắc rối lớn khi kích thích nhu cầu cho vay bởi nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang còn rất nhiều tiền mặt.
Ngày 31/10, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda quyết định mở rộng quy mô kích và tuyên bố, ngân hàng trung ương sẽ bơm thêm một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế thông qua chương trình mua trái phiếu chính phủ, các quỹ chứng khoán và tài sản khác.
Trong khi đó, ông Kurroda cho biết, mục tiêu của quyết sách này là thúc đẩy lạm phát lên ổn định ở 2%, gián tiếp thúc đẩy môi trường đầu tư. Khi đó, các ngân hàng thương mại thậm chí sẽ hưởng lợi lớn khi thu hút thêm được nhiều khách hàng cá nhân và tổ chức đang có nhu cầu vay vốn để đầu tư.
Tuy nhiên, các quan chức ngân hàng và giới chuyên gia lại lo sợ rằng, trước khi môi trường đầu tư được cải thiện thì tỷ suất lợi nhuận của khối ngân hàng đã giảm mạnh. Trên thực tế, chương trình mua trái phiếu chính phủ của BOJ đã kéo giảm lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm - một trong những yếu tố các ngân hàng thương mại sử dụng để ấn định lãi suất. Hiện tại, lãi suất trên khoản vay mua nhà (kỳ hạn 10 năm) tại 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, gồm Bank of Tokyo-Mitsubishi, Mizuho và Sumitomo Mitsui, đã xuống thấp kỷ lục ở khoảng 1,25%.
Tất nhiên, gói kích thích mới của BOJ không hoàn toàn bất lợi đối với lĩnh vực ngân hàng. Ngay sau khi được công bố, động thái này đã khiến cổ phiếu, gồm cả lĩnh vực tài chính - ngân hàng, trên thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh.
Nguồn DVO/Wall Street Journal