Chủ Nhật | 20/01/2013 22:37

Tạm biệt Geithner - người của khủng hoảng

Hàng nghìn người đã từng nghiên cứu về khủng hoảng tài chính nhưng khó có ai từng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng như Tim Geithner - bộ trưởng tài chính Mỹ.
Hôm 14/1, Tổng thống Obama cho rằng nếu như đảng Cộng hòa không đồng ý nâng trần nợ công, nước Mỹ sẽ gặp rắc rối và quay trở lại với khủng hoảng. Cùng ngày, bộ trưởng tài chính Tim Geithner cũng lưu ý rằng điều này có thể xảy ra trong 1 tháng nữa.

Nếu mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch, đến lúc đó, ông Geithner sẽ không còn đảm nhiệm vị trí bộ trưởng tài chính Mỹ. “Vương miện” được trao lại cho Jack Lew – người vừa được ông Obama đề cử cho chức vụ này.

Tuy nhiên, đây là 1 điều đáng tiếc. Mặc dù có hàng nghìn người đã từng nghiên cứu về khủng hoảng tài chính, khó có ai đã từng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng như ông Geithner.

Tạm biệt Geithner - người của khủng hoảng

Hồi những năm 1990, khi làm việc dưới quyền Robert Rubin và Larry Summers, các bộ trưởng tài chính của cựu tổng thống Bill Clinton, Geithner đã phải đối mặt với khủng hoảng tiền tệ và ngân hàng ở các nền kinh tế mới nổi.

Khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2007, ông đang là Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York. Vị trí này giúp ông có vai trò rất quan trọng trong các phản ứng của Fed, trong đó có các gói cứu trợ dành cho Bear Stearns và AIG cũng như quyết định để cho Lehman Brothers sụp đổ. Gần đây nhất, với vai trò là bộ trưởng tài chính Mỹ, ông đã thiết kế và thực hiện các biện pháp bơm vốn nhằm ổn định hệ thống ngân hàng bị chao đảo.

Nhìn lại sự nghiệp của ông, người ta có thể nhận thấy Geithner đã phát triển một số luật lệ trong việc đối phó với 1 cuộc khủng hoảng. “Bạn sắp sửa mắc sai lầm, bởi vậy bản phải ép buộc bản thân quyết định sai lầm nào là dễ sửa chữa hơn”. Geithner đã nói như vậy trong 1 cuộc phỏng vấn mới được tờ The Economist thực hiện.

Geithner cũng có một số đặc điểm cốt yếu để dẫn đến thành công: khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng và bỏ ngoài tai những nhận xét của người ngoài cuộc. Trên thực tế, có thể coi ông là 1 “diễn viên tồi” khi sắm vai bộ trưởng tài chính: vụng về khi diễn thuyết, ghét hối lộ và không có thái độ tôn kính đối với Quốc hội.

Chỉ riêng đặc điểm này cũng khiến Geithner trở thành nhân vật gây nhiều tranh cãi. Không ít người phê phán ông quá hào phóng đối với các ngân hàng lớn. Các bằng chứng thu thập bởi ủy ban khủng hoảng của quốc hội Mỹ khắc họa nên bức tranh khá chân thật về vai trò của Chủ tịch Fed chi nhánh New York trong việc quản lý các ngân hàng lớn, đặc biệt là Citigroup. Nhiều người cho rằng Geithner đã sai lầm khi không quốc hữu hóa hoặc chia nhỏ các ngân hàng lớn. Họ buộc tội ông chính là người khơi mào cho qui luật “too big to fail” – quá lớn để sụp đổ.

Tuy nhiên, Geithner lại cho rằng các ngân hàng được giám sát bởi Fed đã chịu đựng cuộc khủng hoảng tốt hơn nhiều so với hầu hết các định chế khác. Các biện pháp can thiệp cũng trở thành thương vụ đem lại lợi nhuận cho công chúng. Fed và bộ tài chính Mỹ đã có được lợi nhuận trong vụ giải cứu AIG. Thậm chí, một số cổ đông của AIG còn đâm đơn kiện chính phủ vì gói cứu trợ khiến họ bị thiệt hại.

Nhờ vào các cuộc kiểm tra và tái cấu trúc vốn mà Geithner bắt buộc các ngân hàng phải thực hiện hồi năm 2009, phần lớn các ngân hàng giờ đây nằm trong tay tư nhân, có nguồn vốt tốt và hoạt động khá trơn tru. Tuy sự phục hồi còn chậm chạp, ngành ngân hàng của Mỹ đang có diễn biến tốt hơn so với ngành ngân hàng của các nền kinh tế khác.

Geithner đã sẵn sàng thừa nhận rằng các biện pháp can thiệp của ông gây ra rủi ro đạo đức. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định trì hoãn can thiệp chỉ vì lo ngại rủi ro đạo đức sẽ chỉ khiến khủng hoảng tồi tệ hơn và sau đó các biện pháp can thiệp mạnh hơn lại trở nên cần thiết. “Bạn phải thiết kế biện pháp đối phó với khủng hoảng sao cho có thể phòng chống rủi ro đạo đức nhiều nhất có thể, và sau đó thay đổi luật chơi để xóa bỏ những thiệt hại mà bạn vừa gây nên”.

Có thể lấy đạo luật Dodd-Frank làm ví dụ. Đạo luật này trở nên quá phức tạp khi được thông qua tại Quốc hội. Tuy nhiên, đạo luật vẫn giữ được những đặc điểm mà Geithner cho là cần thiết. Bằng cách củng cố vốn và thanh khoản thông qua hệ thống tài chính, đạo luật này cho phép các nhà hoạch định chính sách “gần như không phải lo lắng về sự lây lan của khủng hoảng”.

Với đạo luật Dodd-Frank, Geithner đã tạo được dấu ấn trong hệ thống tài chính Mỹ. Tuy nhiên, tình hình tài chính của nước Mỹ lại là 1 phạm trù hoàn toàn khác. Mặc dù Geithner đã từng nói nước Mỹ chỉ cần cắt giảm chi tiêu và tăng thuế tương đương với khoảng 0,75% GDP để ổn định lại tỷ lệ nợ/GDP trong thập kỷ tới, Mỹ không hề có kế hoạch tạo ra sự ổn định.

Có rất nhiều lý do cho việc này: đó không phải là ưu tiên hàng đầu của ông Obama và tầm nhìn của 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa là hoàn toàn khác biệt. Kết quả là, các thỏa thuận chỉ được đưa ra vào phút chót và chính phủ suýt nữa đã cạn tiền vào mùa hè năm 2011 nếu như trần nợ không được nâng lên.

Geithner nhớ lại, vào năm 2011, ông đã nhắc đi nhắc lại rằng trong trường hợp châu Âu sụp đổ hoặc nước Mỹ lâm vào ngõ cụt và vỡ nợ vì không đạt được thỏa thuận chính trị, Mỹ sẽ không có khả năng bảo vệ nền kinh tế trước các hệ lụy.

Và, ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lại, điều này sẽ không thay đổi. Năm nay, cuộc chiến giữa ông Obama và Quốc hội vẫn tiếp tục là chìa khóa của mọi vấn đề. Tuy nhiên, kết quả không còn phụ thuộc vào khả năng thực hiện đúng cam kết mà phụ thuộc vào việc ai nhận được nhiều sự ủng hộ của công chúng hơn.

Nếu mọi thứ đi lệch quỹ đạo, nước Mỹ sẽ lại cần tới một người đối phó tốt với khủng hoảng. Tuy nhiên, lần này, ông Geithner không cần sử dụng đến các kỹ năng của mình nữa.

Nguồn CafeF


Sự kiện