Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ trong hơn một thập kỷ. Ảnh: Getty Images.

 
Mỹ Quyên Thứ Sáu | 26/05/2023 16:09

Tại sao Trung Quốc và Nhật mong Mỹ đừng vỡ nợ?

Khi đồng hồ điểm từng giây về thời khắc Mỹ vỡ nợ, nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới lại đang theo dõi trong sợ hãi.

Trung Quốc và Nhật là 2 chủ nợ công lớn nhất của Mỹ. Tổng nợ mà 2 nước này sở hữu là 2.000 tỉ USD, hơn 1/4, trong số 7.600 tỉ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ do nước ngoài nắm giữ.

Trái phiếu kho bạc Mỹ được nhiều người coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất trên trái đất và việc Trung Quốc nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng vọt từ 101 tỉ USD lên mức cao nhất là 1.300 tỉ USD vào năm 2013.

 

Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ trong hơn 1 thập kỷ. Tuy nhiên, căng thẳng leo thang với chính quyền Tổng thống Trump vào năm 2019 đã khiến Bắc Kinh giảm tỉ lệ nắm giữ và Nhật đã vượt mặt để trở thành chủ nợ hàng đầu trong năm đó.

Ông Josh Lipsky và ông Phillip Meng, các nhà phân tích từ Trung tâm Kinh tế Địa lý của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: “Việc Nhật và Trung Quốc nắm giữ nhiều trái phiếu Kho bạc có thể gây tổn hại cho 2 nước này nếu giá trị của Trái phiếu Kho bạc giảm mạnh".

Giá trị trái phiếu Kho bạc giảm sẽ dẫn đến dự trữ ngoại hối của Nhật và Trung Quốc giảm. Tức, 2 nước này sẽ có ít tiền hơn để chi trả cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, thanh toán các khoản nợ nước ngoài hoặc hỗ trợ đồng tiền quốc gia của họ.

Ông Lipsky và ông Meng cho biết: “Đó là mối quan ngại nghiêm trọng đối với tất cả các quốc gia nhưng lại đặc biệt rủi ro với sự phục hồi kinh tế mong manh của Trung Quốc”.

Sau đợt bùng nổ ban đầu hậu COVID-19 vào cuối năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn khi tiêu dùng, đầu tư và sản lượng công nghiệp đều có dấu hiệu chậm lại. Áp lực giảm phát đã trở nên tồi tệ hơn khi giá tiêu dùng hầu như không thay đổi trong vài tháng qua. Một mối quan tâm lớn khác là tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng vọt, đạt mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4.

Trong khi đó, nền kinh tế Nhật chỉ mới có dấu hiệu thoát khỏi tình trạng trì trệ và giảm phát, vốn đã ám ảnh nước này trong nhiều thập kỷ.

Tác động tàn phá

Ngay cả khi chính phủ Mỹ cạn tiền và mất khả năng thanh toán nợ, một kịch bản mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen dự đoán có thể xảy ra sớm nhất là vào ngày 1/6, thì khả năng Mỹ vỡ nợ vẫn có thể thấp.

Trong bối cảnh đó, một số nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất ưu tiên thanh toán lãi trái phiếu cho những trái chủ lớn nhất.

Ông Alex Capri, Giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh NUS, cho biết điều này sẽ được thực hiện bằng cách đắp chi phí từ những nghĩa vụ chi trả khác sang, chẳng hạn như thanh toán lương hưu của chính phủ và tiền lương cho nhân viên chính phủ, tuy điều đó có thể khiến chính phủ tạm thời đóng cửa, nhưng sẽ ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ đối với các nước như Nhật và Trung Quốc.

Và nếu không có giải pháp thay thế để đối phó với sự biến động ngày càng gia tăng của thị trường, các nhà đầu tư có thể hoán đổi trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn để lấy nợ dài hạn hơn. Điều đó có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc và Nhật, bởi vì cổ phần của họ tập trung vào trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn.

Ông Marcus Noland, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Giám đốc Nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết: “Một khoản nợ không trả được ở Mỹ có nghĩa là giá trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm, lãi suất tăng, giá trị của đồng USD giảm và biến động gia tăng. Đi kèm có thể là sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ, lĩnh vực ngân hàng thêm và bất động sản đối mặt căng thẳng leo thang”.

Trung Quốc và Nhật đang phụ thuộc vào nền kinh tế lớn nhất thế giới để hỗ trợ các công ty và việc làm tại quê nhà. Lĩnh vực xuất khẩu đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, khi các trụ cột khác của nền kinh tế, chẳng hạn như bất động sản đã chững lại. Xuất khẩu tạo ra 1/5 GDP của Trung Quốc và cung cấp việc làm cho khoảng 180 triệu người.

Bất chấp căng thẳng địa chính trị gia tăng, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Và cũng là lớn thứ 2 của Nhật. Năm 2022, thương mại Mỹ - Trung đạt mức cao kỷ lục 691 tỉ USD. Xuất khẩu của Nhật sang Mỹ tăng 10% vào năm 2022.

Ông Noland cho biết: “Khi nền kinh tế Mỹ chậm lại, tác động sẽ được truyền qua thương mại, chẳng hạn như làm giảm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và góp phần làm suy thoái toàn cầu”.

Mối quan tâm sâu sắc

Thống đốc Ngân hàng Nhật Kazuo Ueda đã bày tỏ lo ngại vào ngày 19/5, cảnh báo rằng việc Mỹ vỡ nợ sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn ở nhiều thị trường khác nhau và gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu.

Bắc Kinh, cho đến nay, đã tương đối im lặng về vấn đề này. Bộ Ngoại giao đã bình luận hôm 23/5 rằng họ hy vọng Mỹ sẽ “áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ có trách nhiệm” và “kiềm chế không chuyển rủi ro” sang phần còn lại của thế giới.

Tokyo hay Bắc Kinh không thể làm gì nhiều ngoài việc chờ đợi và hy vọng sóng yên biển lặng.

Trong bối cảnh hiện tại, vội vàng bán nợ của Mỹ sẽ là “tự chuốc lấy thất bại, vì động thái này sẽ làm tăng đáng kể giá trị của đồng yen Nhật hoặc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc so với đồng USD, khiến chi phí xuất khẩu của 2 nước này tăng vọt.

Có thể bạn quan tâm:

Văn hóa máy bán hàng tự động của Nhật đang dẫn đầu

Nguồn CNN