Nhiều chủ đầu tư Trung Quốc trì hoãn việc xây dựng các dự án đã bán trước đó vì gặp khó khăn về dòng tiền.

 
Mỹ Quyên Thứ Bảy | 29/10/2022 07:30

Tại sao Trung Quốc sẽ không “giải cứu” ngành bất động sản của nước mình?

Theo các chuyên gia, chính quyền trung ương Trung Quốc không có khả năng chi hàng tỉ USD để cứu lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.

Đã một năm kể từ khi các vấn đề nợ đầy rắc rối của Tập đoàn bất động sản (BĐS) Evergrande làm tâm lý nhà đầu tư lung lay, từ đó trở đi, thị trường BĐS của quốc gia này đang ngày một tệ hơn. Một số người mua nhà đã từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp do việc xây dựng bị đình trệ, trong khi doanh số bán BĐS lao dốc. Các công ty BĐS một thời hùng mạnh cũng đang phải vật lộn để trả nợ.

Ông Tommy Wu, Chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Commerzbank nghiên cứu về Trung Quốc cho biết: “Tôi không nghĩ chính phủ sẽ có các gói cứu trợ trực tiếp cho các nhà công ty BĐS, mặc dù họ có thể tiếp tục yêu cầu các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước giúp đỡ các công ty đang gặp khó khăn”.

Ông dự đoán Bắc Kinh sẽ từng bước giải quyết các vấn đề trong BĐS và giảm bớt vai trò của ngành này trong nền kinh tế. BĐS và các lĩnh vực liên quan hiện chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc.

“Những biện pháp mới trong những tuần và tháng sắp tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục tập trung vào hỗ trợ hoàn thiện các dự án và kích thích doanh số bán nhà.”, ông Wu nói thêm.

S&P Global Ratings cho biết vào tháng 9, họ ước tính thị trường BĐS cần từ 700 tỉ nhân dân tệ (98,59 tỉ USD) đến 800 tỉ nhân dân tệ để đảm bảo các doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính có thể hoàn thành những dự án đã bán trước đó.

 

Cho tới hiện tại, Chính phủ Trung Quốc chưa hề công bố một khoản quỹ nào với quy mô tương tự để cứu ngành BĐS, cho dù đã có hàng loạt bài báo cho rằng Bắc Kinh đáng tính mở các quỹ tương tự vậy. Một số nhà phân tích vẫn kỳ vọng sẽ có một quỹ hỗ trợ được mở, nhất là một quỹ có quy mô đủ lớn để kích thích niềm tin của thị trường.

Thời điểm hiện tại là lúc nhiều công ty BĐS “mắc cạn". Tổng nợ phải trả của Evergrande, Kaisa và Shimao là hơn 2,6 nghìn tỉ nhân dân tệ vào giữa năm 2021, sau đó vấn đề tài chính của ba công ty này còn trở nên tồi tệ hơn và họ chỉ chiếm một thị phần nhỏ trong ngành.

Ở quy mô đó, ngay cả khi chính quyền trung ương chi hàng trăm tỉ nhân dân tệ thì cũng chẳng có tác dụng gì, ông Qin Gang, giám đốc điều hành của viện nghiên cứu BĐS Trung Quốc ICR, cho biết.

Đó là chưa tính đến việc chính phủ hiện đang có ngân sách eo hẹp hơn nhiều so với thời điểm 3 năm trước, ông Qin nhấn mạnh, đề cập đến việc thu ngân sách từ cấp quyền sử dụng đất và từ thuế giảm, trong khi chi tiêu cho các biện pháp chống Covid gia tăng.

Dư luận xã hội

Một dự án của Evergrande ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Công ty có hàng triệu căn hộ ở hàng trăm thành phố trên khắp Trung Quốc, nhưng cũng
Một dự án của Evergrande ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Công ty có hàng triệu căn hộ ở hàng trăm thành phố trên khắp Trung Quốc, nhưng cũng "ngụp lặn" trong nợ nần.

Dư luận của công chúng cũng rất quan trọng, ông Qin nói, đồng thời chỉ ra cơn thịnh nộ của người dân nếu chính phủ giúp đỡ những công ty mắc nợ nói trên.

Ông cho biết thêm, vấn đề bàn giao căn hộ hoàn thiện rất phức tạp và cần sự phối hợp của địa phương. Trong vài tháng trước, chính quyền trung ương đã cắt giảm tỷ lệ thế chấp và giao cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề nhà đất. Một số thành phố cũng nới lỏng các hạn chế đối với việc mua nhà trong năm nay.

Tháng trước, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn đã nhấn mạnh rằng các biện pháp của Chính phủ, như cấp các khoản vay đặc biệt để thúc đẩy việc hoàn tất các dự án dang dở, sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ các địa phương có nhu cầu. Tuy nhiên, quy mô tài chính của các biện pháp này không được đề cập.

Sự tăng trưởng bùng nổ trong ngành BĐS của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua đã sản sinh nên những tỉ phú không ngại phô trương sự giàu có của mình. Nhưng cũng trong những năm gần đây, Bắc Kinh đặc biệt chú trọng đến việc giảm chênh lệch giàu nghèo quốc gia.

Phần lớn sự tăng trưởng nhanh chóng của lĩnh vực BĐS được thúc đẩy bởi các chủ đầu tư vay nợ. Giá nhà tăng cao gây lo ngại bong bóng nhà đất, đồng thời buộc các gia đình phải gánh khoản nợ khổng lồ để sở hữu được một căn nhà.

 

Theo các nhà phân tích, sự sụt giảm kéo dài đồng nghĩa với việc nhu cầu của người mua nhà Trung Quốc sẽ giảm đi đôi với ý định đầu cơ, từ đó doanh số bán hàng của các công ty BĐS cũng giảm theo.

Khi đề cập đến những biện pháp như nhà nước bảo lãnh phát hành trái phiếu có đảm bảo cho doanh nghiệp bất động sản đủ tiêu chuẩn, các nhà phân tích của Barclays cho biết: “Chúng tôi không cho là những doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn sẽ được giải cứu. Nhưng phương pháp tiếp cận theo định hướng thị trường, nhằm hỗ trợ những công ty chất lượng cao sẽ được duy trì.” 

Lập trường của chính phủ

Ban đầu, nhiều người kỳ vọng Bắc Kinh trong mùa thu năm nay sẽ khôi phục một cơ chế cho vay của ngân hàng trung ương nhằm giúp các doanh nghiệp địa ốc hoàn tất dự án còn dở dang, nhưng cơ chế cho vay này cuối cùng lại dành cho đầu tư hạ tầng. 

“Mặc dù sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn sẽ giúp BĐS, nhưng thách thức lớn nhất hiện nay để khôi phục niềm tin vẫn là khôi phục nền kinh tế còn yếu và các hạn chế hoạt động kinh doanh cũng như tiêu dùng do chính sách zero-COVID mang lại.” ông Wu của Commerzbank cho biết.

Có thể bạn quan tâm: 

Tổng quan lạm phát tại các quốc gia trên thế giới

Nguồn CNBC