Tại sao Trung Quốc nới lỏng neo nhân dân tệ với USD?
Cam kết dỡ bỏ neo nhân dân tệ (NDT) với USD đang cho thấy một khó khăn thực sự của Bắc Kinh: Fed có thể làm lu mờ nỗ lực tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này.
Fed được dự đoán sẽ nâng lãi suất trong phiên họp chính sách diễn ra vào tuần này trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tăng trưởng ổn định. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc đang đi theo một hướng khác, với việc Bắc Kinh hạ lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - vốn tăng chậm nhất trong ¼ thế kỷ qua.
Nhưng việc Fed nâng lãi suất có thể cản trở nỗ lực này của Trung Quốc. Lãi suất tăng sẽ đẩy giá USD lên cao hơn, buộc Trung Quốc phải can thiệp vào thị trường tiền tệ để duy trì neo tỷ giá NDT/USD. Điều này đồng nghĩa rằng Trung Quốc phải tăng mua vào NDT, thường do các ngân hàng Trung Quốc thực hiện, rút tiền ra khỏi hệ thống tài chính vào thời điểm Bắc Kinh đang cố gắng tăng tính sẵn có của nguồn vốn đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng nội địa.
Và kết quả là khả năng tiếp cận tín dụng của người vay tiền Trung Quốc trở nên hạn chế hơn, nhất là các công ty tư nhân quy mô nhỏ, bất chấp Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã 6 lần hạ lãi suất và dự trữ bắt buộc trong 13 tháng qua.
Hôm thứ Sáu 11/12, PBOC đã phát tín hiệu sẽ dỡ bỏ neo NDT với USD bằng cách neo nội tệ với giỏ tiền tệ - kể cả USD, euro, yên và 10 đồng tiền khác - thay vì chỉ với mỗi USD như trước kia. Động thái này cho phép NDT có cơ hội giảm giảm so với đồng bạc xanh.
Uwe Parpart, chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư Reorient Financial Markets trụ sở tại Hong Kong, nhận định, việc không can thiệp vào thị trường ngoại hối cũng như hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế.
Nhưng động thái này cũng có thể gây ra làn sóng bán tháo NDT trên thị trường nội địa và trong cái gọi là thị trường quốc tế Hong Kong trong bối cảnh giới đầu tư kỳ vọng giỏ tiền tệ đồng nghĩa rằng NDT yếu hơn. Đầu phiên giao dịch thứ Hai 14/12, NDT đã giảm xuống mức thấp nhất 4 năm qua ở 6,4665 NDT/USD và thậm chí giảm xuống mức thấp hơn nữa tại Hong Kong.
Trong một nỗ lực trấn an thị trường, PBOC trong thông báo đăng trên trang web của mình hôm thứ Hai 14/12 tuyên bố rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn ở mức cao, lượng dự trữ ngoại hối dồi dào và nhu cầu tài sản Trung Quốc của khối ngoại đang tăng lên sẽ giúp duy trì NDT ở mức cân bằng hợp lý.
Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc có dỡ bỏ neo NDT với USD hay không - điều mà trước đây Bắc Kinh đã từng nói. Khi dỡ bỏ neo NDT với USD, rủi ro mà Trung Quốc vấp phải là giới đầu tư sẽ mất lòng tin vào sự ổn định của NDT, có thể dẫn đến dòng tiền ồ ạt tháo chạy khỏi nước này, theo các quan chức cũng như cố vấn của PBOC.
Một trong những cố vấn PBOC cho biết, việc từ bỏ neo tỷ giá NDT/USD sẽ là bước quan trọng để tiến đến sự độc lập về chính sách tiền tệ, nhưng mối nguy dòng tiển chảy khỏi Trung Quốc đang là trở ngại đối với PBOC trong việc thực hiện việc này.
Đầu năm 2009 - bốn năm sau khi tuyên bố cho NDT “ly dị” USD - Trung Quốc lại neo NDT với USD nhằm ngăn đà giảm giá của NDT trong bối cảnh khủng khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trung Quốc cũng đã giảm tác động của việc Fed nâng lãi suất. Hôm 10/12, Wang Yungui, phụ trách bộ phận quản lý thuộc Ủy ban Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc cho biết, việc Fed nâng lãi suất sẽ có “một vài” tác động đến dòng vốn qua biên giới của Trung Quốc, nhưng sẽ là không đáng kể.
Hơn nữa, các quan chức PBOC trong những tháng gần đây đã ám chỉ rằng họ đang tìm kiếm sự linh hoạt cao hơn trong phương thức quản lý NDT. “Việc thiết lập tỷ giá hối đóa giữa NDT và USD sẽ làm giảm tính độc lập của chính sách tiền tệ”, Phó thống đốc PBOC Yi Gang phát biểu trong cuộc họp báo hồi tháng 8.
Hồi đầu tháng 12, Chủ tịch Fed Janet Yellen đã phát tín hiệu rằng bà đã sẵn sàng nâng lãi suất trong phiên họp vào ngày 15-16/12 tới đây, chấm dứt 7 năm duy trì lãi suất ở mức cận 0 khi nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục hồi phục.
Trong khi đó, Trung Quốc lại đón nhận số liệu không mấy tích cực về hoạt động thương mại, sản xuất công nghiệp, đầu tư bất động sản và các động lực tăng trưởng truyền thống khác trong những tháng gần đây. Nhiều nhà kinh tế học tin rằng Trung Quốc sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay.
Nhật Trường
Nguồn WSJ