Tại sao Trung Quốc không thể duy trì đà tăng của chứng khoán?
Lần tăng điểm gần đây nhất của thị trường chứng khoán Trung Quốc chính xác diễn ra trong 2 ngày. Và rồi giá cổ phiếu lại lao dốc trong phiên thứ Tư 20/1 với chỉ số Shanghai Shenzhen CSI 300 xóa mất 1/2 mức tăng có được trong phiên trước đó. Tại Hong Kong, cổ phiếu công ty Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính.
Đối với nhà đầu tư, câu hỏi đặt ra là điều gì có thể giúp đặt dấu chấm hết cho thị trường giá xuống - đã đẩy giá cổ phiếu giảm 15% hoặc hơn kể từ đầu năm đến nay. Hôm thứ Ba 19/1, khi Trung Quốc công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 7 năm qua, thị trường chứng khoán ngay lập tức phản ứng bằng việc tăng điểm mạnh nhất trong 2 tháng qua. Điều hợp lý là tình hình kinh tế tại Trung Quốc tệ hại đến mức chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải giải cứu.
Shen Zhengyang, nhà phân tích tại Northeast Securities trụ sở tại Thượng Hải, cho biết, việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng hoàn toàn có thể xảy ra. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm sẽ cho phép các ngân hàng tăng cho vay, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng vấn đề rắc rối không phải là khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng Trung Quốc mà là nhu cầu vay vốn của nền kinh tế.
Niềm tin vào khoản cứu trợ từ chính phủ dường như giảm mạnh trong hôm thứ Tư 20/1 khi các chỉ số chứng khoán chủ chốt giảm 1% hoặc hơn. Câu hỏi là liệu chính phủ Trung Quốc có còn "con bài" nào để tái thúc đẩy tăng trưởng sản lượng và lợi nhuận hay không, chứ không phải chỉ cho thị trường thêm một chút "ôxy".
Lợi ích từ việc mở rộng tín dụng ngày càng giảm: Cứ 1 USD tăng thêm trong khoản tín dụng được cung cấp, Trung Quốc có thêm 27 cent trong GDP trong năm 2015, mức thấp nhất kể từ năm 2009, theo số liệu của Bloomberg. Trong khi đó, tính đến năm 2011, cứ 1 USD tín dụng tăng thêm tạo ra 59 cent.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg