Tại sao TPP quan trọng đến vậy?
Những người ủng hộ cho rằng thỏa thuận thương mại này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế của các nước tham gia.
Trong khi đó, những người phản đối - nhất là một số người Mỹ - lại lo ngại rằng việc ký kết thỏa thuận này sẽ khiến việc dịch chuyển từ nước Mỹ đến các nước khác trong hiệp định.
Vậy chính xác TPP là gì?
TPP là một thỏa thuận thương mại tự do với sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam.
Ngoài ra các nước Colombia, Philippines, Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến TPP.
Mục tiêu của TPP là thắt chặt hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa các nước tham gia, thông qua các biện pháp giảm (thậm chí là loại bỏ hoàn toàn trong một số trường hợp) các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Cùng với tăng cường dòng chảy vốn, TPP cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nhóm 12 thành viên.
TPP bắt đầu từ khi nào?
TPP bắt nguồn từ một thỏa thuận giữa 4 nước - Brunei, Chile, New Zeland và Singapore - có hiệu lực 10 năm trước.
Mang tên P4, thỏa thuận này loại bỏ thuế suất đối với hầu các loại hàng hóa giao thương giữa các nước tham gia, cam kết cắt giảm hơn nữa và hợp tác về những vấn đề rộng lớn hơn như quy phạm lao động, sở hữu trí tuệ và chính sách cạnh tranh.
Phạm vi của TPP lớn cỡ nào?
Thỏa thuận này thực sự lớn.
12 nước tham gia đều là thành viên của Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) với tổng dân số 800 triệu người - gần gấp đôi thị trường chung EU. Khối 12 nước này chiếm đến 40% thương mại toàn cầu.
Năm 2011, trung bình các nước tham gia có thu nhập bình quân đầu người đạt 31.481 USD. Tổng GDP lên đến hơn 20 triệu USD.
Không thể không chú ý đến việc đây là sáng kiến do Mỹ dẫn đầu. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và luôn coi khu vực châu Á – Thái Bình Dương là chìa khóa để tăng trưởng trong tương lai.
Việc đạt được thỏa thuận thực sự là bước tiến lớn khi xét đến sự khác biệt giữa phương pháp tiếp cận và tiêu chuẩn giữa các nước tham gia, kể cả bảo vệ môi trường, quyền của người lao động, vv...
Lộ trình đàm phán TPP
Đàm phán TPP là một quá trình dài với rất nhiều cuộc họp ở nhiều cấp khác nhau. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán thực sự chỉ bắt đầu từ năm 2010 và mục tiêu đặt ra là chốt lại vào năm 2012.
Từ năm 2010 đến 2013, tổng cộng đã có 19 vòng đàm phán chính thức diễn ra. Trong đó có vòng đàm phán thứ 7 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh trong các ngày từ 15 đến 24/6/2011.
Trong 2 năm gần đây là 2014 và 2015, tiếp tục có nhiều cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng và cấp trưởng đoàn đàm phán diễn ra tại nhiều nước.
Lý do trì hoãn
TPP bao phủ nhiều vấn đề không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả trong các lĩnh vực môi trường, sở hữu trí tuệ… Do đó bất đồng là điều không thể tránh khỏi. Trước khi bước vào đợt họp ở Atlanta, những vấn đề mấu chốt nhất còn vướng mắc trong quá trình đàm phán bao gồm thời gian bảo hộ độc quyền đối với thuốc sinh học, cơ chế tiếp cận thị trường bơ sữa và linh kiện ô tô.
Những khó khăn mang tính chính trị cũng là một trở ngại lớn đối với TPP. Tuy nhiên ngày 29/7 vừa qua, Tổng thống Obama đã được trao quyền Đàm phán nhanh (TPA), tức là Quốc hội Mỹ chỉ có thể quyết định thông qua hay bác bỏ chứ không thể sửa đổi các điều khoản trong TPP.
Những tiếng nói phê phán
Giống như nhiều hiệp định thương mại tự do khác, có những mối lo ngại về những tác động của TPP đến một số hàng hóa và dịch vụ ở một vài nước.
Tuy nhiên sự phản đối lớn nhất nằm ở tính bí mật của các cuộc đàm phán. Thậm chí một nhóm các luật sư đã gửi thư lên Đại diện thương mại Mỹ Ron Kirkforcement để bày tỏ sự lo ngại cũng như thất vọng khi các cuộc đàm phán quá bí mật và thiếu minh bạch.
Tiếp theo là gì?
Chi tiết về cách thức thực hiện thỏa thuận sẽ được thảo luận tại cơ quan lập pháp của từng nước thành viên trong những tuần tới và thậm chí nhiều tháng tới trước khi được phê chuẩn.
Nhật Trường
Nguồn BBC