Tại sao tái cân bằng thị trường dầu lại mất nhiều thời gian như vậy?
Tái cân bằng thị trường dầu thô thực sự là quá trình tốn thời gian và gây nản lòng vì các nước xuất khẩu dầu bị ảnh hưởng nặng nề nhất do giá lao dốc lại chính là các nước có mức tăng trưởng tiêu thụ dầu nhanh nhất trước khi giá dầu giảm.
Khi nguồn thu từ dầu thô teo tóp lại, nền kinh tế các nước xuất khẩu dầu thô giảm tốc hoặc rơi vào suy thoái, gây suy yếu một trong những động lực mạnh mẽ nhất về nhu cầu dầu thô và khiến phần còn lại của thế giới phải gồng mình bù đắp.
Đà giảm tốc tăng trưởng nhu cầu dầu thô của các nước xuất khẩu dầu đã khiến tình trạng thừa cung tồi tệ hơn và kéo dài quá trình tái cân bằng thị trường.
Tái cân bằng giờ đây phải phụ thuộc vào việc cắt giảm sản lượng và kích cầu tại Trung Quốc và Ấn Độ cũng như các nền kinh tế phát triển - có tốc độ tăng trưởng hoặc âm hoặc không đáng kể giai đoạn trước năm 2014.
Do vậy, giai đoạn đầu của quá trình tái cân bằng rõ ràng rất khó khăn và chậm chạp vì vấp phải những làn gió ngược do giá dầu lao dốc.
Tuy nhiên, ngay khi giá dầu bắt đầu tăng đáng kể, thị trường có thể thắt chặt nhanh hơn so với dự đoán của các nhà phân tích vì tiêu thụ dầu thô tại các thị trường đang phát triển có thể lại tăng tốc.
Giai đoạn 2004-2014, các nước xuất khẩu dầu thô chiếm hơn 1/3 mức tăng tiêu thụ dầu toàn cầu bên ngoài Mỹ khi nguồn thu từ dầu thô tăng lên tiếp thêm năng lượng cho sự bùng nổ kinh tế nội địa.
Từ 2004 đến 2014, tiêu thụ dầu thô ngoài Mỹ tăng thêm 11,4 triệu thùng/ngày.
Theo thống kê số liệu của BP, 15 nước xuất khẩu dầu thô (Canada, Mexico, Colombia, Ecuador, Venezuela, Na Uy, Azerbaijan, Kazakhstan, Nga, Algeria, Iran, Kuwait, Qatar, Arab Saudi và UEA) đóng góp thêm 4,2 triệu thùng/ngày vào nhu cầu tiêu thụ. Tăng trưởng tiêu thụ dầu thô đặc biệt nhanh ở Arab Saudi (+1,7 triệu thùng/ngày), Nga (+0,6 triệu thùng/ngày), Iran (+0,5 triệu thùng/ngày) và UEA (+0,3 triệu thùng/ngày).
Nhưng ngoại trừ Mexico, tiêu thụ dầu thô nội địa tại mỗi nước trong số 15 nước xuất khẩu dầu thô đều tăng trong một thập kỷ tính đến năm 2014.
Tăng trưởng tiêu thụ dầu thô toàn cầu tại các nước còn lại trên thế giới chủ yếu diễn ra tại Trung Quốc (+4,4 triệu thùng/ngày), Ấn Độ (+1,3 triệu thùng/ngày) và Brazil (+1,2 triệu thùng/ngày).
Giới phân tích thường chia thế giới thành các nước “tiêu thụ ròng” và “xuất khẩu ròng” nhưng tiêu thụ của 15 nước xuất khẩu chủ chốt chiếm 17,3 triệu thùng/ngày trong năm 2014, tăng từ 13,1 triệu thùng/ngày một thập kỷ trước.
Giá dầu tăng mạnh giai đoạn 2004-2014 đã khiến nguồn thu từ dầu thô của các nước xuất khẩu tăng mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dẫn đến sự tăng vọt nhu cầu nội địa từ xe hơi đến đồ điện và xây dựng.
Nghịch lý là giá dầu cao hơn giúp thắt chặt thị trường dầu thô toàn cầu vì khuyến khích tăng trưởng nhu cầu tại chính các nước xuất khẩu.
Mối quan hệ giá-doanh thu-nhu cầu là một trong nhiều cơ chế phản hồi tích cực đang hoạt động trên thị trường dầu thô - có xu hướng phóng đại sự biến động giá cả và nhấn mạnh chu kỳ giá.
Tuy nhiên, khi giá dầu giảm, cơ chế này có diễn biến đảo ngược. Doanh thu giảm khiến các nền kinh tế xuất khẩu dầu thô tăng trưởng chậm lại và buộc phải cắt giảm chi tiêu của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình.
Từ giữa năm 2014, nhu cầu dầu thô nội địa tại các nước xuất khẩu chủ chốt đã ổn định hoặc thậm chí bắt đầu giảm. Tổng tiêu thụ dầu thô tại 15 nước xuất khẩu năm 2015 giảm 90.000 thùng/ngày và có thể tiếp tục giảm trong năm 2016.
Đà giảm tốc của các nền kinh tế xuất khẩu dầu thô là lý do chính lý giải vì sao tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu ảm đạm như vậy trong 2 năm qua.
Đến nay, Mỹ vẫn chưa đưa vào các phân tích vì nước này vừa là nước sản xuất vừa là nước tiêu thụ dầu thô quy mô lớn và có nền kinh tế lớn và đa dạng, khác với các nước xuất khẩu dầu thô chủ chốt khác.
Tiêu thụ dầu thô của Mỹ giai đoạn 2004-2014 giảm 1,6 triệu thùng/ngày chủ yếu do hiệu suất sử dụng được nâng lên trong khi sản lượng nội địa tăng 4,5 triệu thùng/ngày nhờ sự bùng nổ dầu đá phiến.
Ở nhiều khía cạnh, Mỹ phải chịu trách nhiệm về cái kết của sự bùng nổ dầu thô với việc giảm nhu cầu trong khi đẩy tăng nguồn cung, dẫn đến sự biến đổi đáng kể trong sự cân bằng dầu thô toàn cầu.
Các nền kinh tế phát triển khác ở châu Âu và châu Á chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong tiêu thụ toàn cầu và không đủ tích cực để đóng góp đáng kể vào tái cân bằng hoặc ở phía cùng hoặc ở phía cầu.
Vì vậy, giai đoạn đầu, tái cân bằng thị trường dầu thô sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, sau đó các nước xuất khẩu dầu có thể đẩy nhanh quá trình này.
Nhật Trường
Nguồn Reuters