Tại sao QE3 không thể gây chiến tranh tiền tệ?
Ngay sau khi Chủ tịch Fed ông Ben Bernanke công bố gói QE3, ông Guido Mantega, Bộ trưởng tài chính Brazil, đã chỉ trích Mỹ châm ngòi cho cuộc chiến tiền tệ toàn cầu.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times trong tháng 9 vừa qua, ông Mantega cho biết: “Nước Mỹ đang theo đuổi chính sách bảo hộ nội địa. Bất kỳ nước nào kiểm soát và thao túng đồng nội tệ là đang thực hiện chế độ bảo hộ. Chúng tôi không làm điều đó. Gói QE3 của Fed sẽ chỉ mang lại lợi ích rất nhỏ (ở Mỹ) do nước này đang xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản và lượng thanh khoản đó không phục vụ lĩnh vực sản xuất”.
Brazil và các thị trường mới nổi khác cho rằng với việc mua vào trái phiếu một cách mạnh mẽ, Fed đang phá giá USD và làm giảm khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế mới nổi. Hơn nữa, động thái này của Fed sẽ gây áp lực lớn lên giá thực phẩm và hàng hóa năng lượng.
Alex Frangos của tờ Nhật báo Phố Wall cho rằng lượng tiền mặt mới in thêm có thể gây ra làn sóng tiền tệ “không thể kiểm soát và mất ổn định về mặt tài chính” vì người ta sử dụng lượng tiền này để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn tại các nền kinh tế mạnh hơn ở châu Á và châu Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, bài xã luận của Bloomberg View cho rằng mục tiêu chủ yếu của Fed không phải là kiểm soát và thao túng đồng USD mà là kích cầu nội địa: “Fed hy vọng làm được việc này chủ yếu bằng cách hạ lãi suất và thuyết phục nhà đầu tư rằng lãi suất sẽ ở mức thấp trong một thời gian đáng kể. Việc này sẽ khích lệ người tiêu dùng chi tiêu và công ty thuê thêm lao động cũng như đầu tư. Nếu mọi chuyện đúng như dự tính, nhập khẩu của Mỹ sẽ tăng và các nước xuất khẩu như Brazil có thể hy vọng kiếm được lợi nhuận. Như vậy, QE3 chắc chắn không châm ngòi cuộc chiến tiền tệ”.
Alex Frangos cho rằng thời điểm hiện tại không giống năm 2010 khi Fed tung ra gói QE2, rất nhiều thị trường mới nổi đang vật lộn với cuộc chiến kiểm soát lạm phát và cảm thấy bị đe dọa trước nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của Fed. Nhưng với việc tốc độ tăng trưởng tại các thị trường mới nổi này giảm 1/2, thì gói QE3 dường như lại có ích, chứ không có hại.
Thực tế, “các ngân hàng trung ương châu Á và châu Mỹ Latinh đang đưa ra chính sách hòa hợp với các động thái của Fed. Các nền kinh tế ngày một trì trệ và các ngân hàng trung ương đang hạ lãi suất, người ta lo lắng về tăng trưởng nhiều hơn về lạm phát. Các nước như Indonesia và Trung Quốc đều nhận thấy nguồn vốn ngoại đang chảy ra, và động thái mới nhất của Fed có thể giúp tái cấp vốn cho hệ thống tài chính”.
Bất chấp những chỉ trích sai lầm về tác động của QE3, nhưng mối lo ngại của ông Mantega về tình trạng kiểm soát và thao túng tiền tệ là đúng đắn. Thực tế, đây là vấn đề mà cả Brazil và Mỹ cần quan tâm.
Về vấn đề thao túng và kiểm soát tiền tệ, mặc dù Trung Quốc đứng đầu về việc này, nhưng không phải là duy nhất. Viện Kinh tế quốc tế Peterson mới đây công bố danh sách 20 nước, vùng lãnh thổ chuyên thao túng và kiểm soát tiền tệ, xếp thứ tự theo dự trữ ngoại hối. Trung Quốc đứng đầu danh sách, tiếp đến là Nhật Bản, Arập Xêút, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong và Thụy Sĩ.
Do vậy, bài xã luận của Bloomberg View ủng hộ việc tăng cường giám sát tiền tệ theo các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hoặc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vì việc này sẽ có lợi do tình kiểm soát và thao túng tiền tệ có thể làm gia tăng xung đột chính sách thương mại và ngược lại.
Nguồn FT/Khampha