Thứ Năm | 01/08/2013 18:50

Tại sao PMI sản xuất do Trung Quốc khảo sát khác với HSBC?

Hai nguyên nhân chính được cho là do thời điểm khảo sát và đối tượng khảo sát của Trung Quốc và HSBC không giống nhau.
Tổng cục thống kê Trung Quốc sáng nay vừa công bố số liệu cho biết, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất tháng 7 của nước này lên 50,3 điểm, cao hơn so với 50,1 điểm hồi tháng 6 và cho thấy dấu hiệu tăng trưởng sản xuất.

Trái lại, số liệu sơ bộ và chính thức của HSBC cho biết, PMI sản xuất tháng 7 của Trung Quốc tiếp tục xuống 47,7 điểm, thấp nhất 11 tháng.

PMI Trung Quốc
PMI Trung Quốc khác biệt giữa số liệu chính thức và số liệu khảo sát của HSBC.

Chuyên gia kinh tế của Bank of America, ông Ting Lu giải thích, sự khác biệt này chủ yếu do các yếu tố mùa vụ và mẫu khảo sát.

Thứ nhất, PMI do HSBC khảo sát được thực hiện vào giữa tháng 7 do đó có thể bị ảnh hưởng bởi tâm lý bi quan trong bối cảnh căng thẳng tiền mặt trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc cùng với lo ngại về khả năng “hạ cánh cứng” của nền kinh tế.

Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 7, thủ tướng Trung Quốc cam kết phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5% với một số biện pháp nới lỏng chính sách bao gồm đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng. Do đó, khảo sát chính thức của Trung Quốc được thực hiện vào cuối tháng 7 sẽ được hưởng lợi từ tâm lý thị trường tích cực hơn.

Thứ hai, mẫu khảo sát của HSBC chủ yếu là các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ bị ảnh hưởng bởi nhân dân tệ tăng giá, chi phí nhân công tăng, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu chững lại. Trong khi đó, mẫu khảo sát của Trung Quốc là các doanh nghiệp lớn trong nước được hưởng lợi từ chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ.

Một câu hỏi được đặt ra là nhà đầu tư nên quan tâm đến chỉ số nào, chỉ số do HSBC khảo sát hay Trung Quốc khảo sát. Ông Lu cho rằng nên tập trung vào chỉ số chính thức của Trung Quốc bởi khảo sát của HSBC chủ yếu tính đến các doanh nghiệp xuất khẩu mà xuất khẩu hiện chỉ chiếm 10% GDP Trung Quốc.

Nguồn BI/Dân Việt


Sự kiện