Ở những nước có tỷ lệ nhà lập pháp là nữ cao thì xu hướng đòi hối lộ ít hơn. Ảnh: Nic Amaya

 
Gia Khánh Thứ Ba | 22/02/2022 13:46

Tại sao phụ nữ ít có xu hướng tham nhũng hơn nam giới?

Các quan chức nữ có ít cơ hội và khó thoát tội hơn.

Trong tháng 1, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), đã công bố báo cáo hàng năm về tham nhũng trên toàn thế giới, được đo lường bằng chỉ số trung bình của tổ chức, tham nhũng đã không được cải thiện trong một thập kỷ qua. Ở nhiều nước nghèo, tình hình còn tồi tệ hơn. 

Tổ chức đưa ra các khuyến nghị bao gồm tăng cường các cơ quan chống tham nhũng, trấn áp tội phạm tài chính và minh bạch hơn trong chi tiêu công. Nhưng một số quốc gia đã thử một phương pháp khác: tuyển dụng nhiều nữ giới hơn. Ví dụ vào năm 2011, một bang ở Mexico đã thành lập một đơn vị cảnh sát giao thông toàn nữ nhằm mục đích ngăn chặn nạn tham nhũng. Peru đã thực hiện một cách tiếp cận tương tự vào cuối những năm 1990. Phụ nữ liệu có thực sự ít tham nhũng hơn đàn ông?

Ý tưởng này đã được tín nhiệm sau khi các nhà nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới công bố một nghiên cứu vào năm 2001, thu thập dữ liệu từ 100 quốc gia. Ở những nước có tỷ lệ nhà lập pháp là nữ cao thì xu hướng đòi hối lộ ít hơn. Nghiên cứu mới của một nhóm học giả, bao gồm ông Francesco Decarolis của Đại học Bocconi, ở Milan, đã đưa ra kết luận tương tự. Kết quả cho thấy rằng ở Trung Quốc từ năm 1979 đến năm 2014, các nữ quan chức cấp cao có nguy cơ bị bắt vì tham nhũng thấp hơn 81% so với các đồng nghiệp nam của họ. Và ở Ý từ năm 2000 đến năm 2016, các quan chức nữ có nguy cơ bị điều tra tham nhũng thấp hơn 22% so với nam giới.

Bà Elin Bjarnegard, một học giả thuộc Đại học Uppsala ở Thụy Điển, đã đưa ra lời giải thích: Một là các quan chức nữ ít có cơ hội nhận hối lộ hoặc tận dụng các mối quan hệ không chính đáng. Tham nhũng phát triển mạnh trong “Old boys’ clubs” (Tạm dịch: CLB Đàn ông đứng tuổi; một hệ thống không chính thức mà tiền và quyền lực được nắm giữ bởi những người đàn ông da trắng giàu có thông qua các mối quan hệ kinh doanh mật thiết). Bằng chứng từ Argentina cho thấy các nhà lập pháp nữ ít có khả năng tham gia các đảng chính trị lớn có liên quan đến tham nhũng hơn là nam giới. Và ở Mexico, nhiều phụ nữ tham gia chính trị bắt đầu sự nghiệp của họ trong các tổ chức phi chính phủ, thay vì cố “thăng tiến” trong một mạng lưới tham nhũng, do đó, họ ít có khả năng dính líu đến hối lộ hơn.

Một lời giải thích hợp lý khác là các nữ chính trị gia tránh tham nhũng vì họ bị trừng phạt nghiêm khắc hơn cho tội này. Nhiều cử tri mong muốn phụ nữ tuân theo định kiến ​​rằng họ trung thực và nhân ái hơn nam giới. Nếu không làm được vậy, họ phải trả giá đắt. Đó là trường hợp ở Malawi vào năm 2014, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế về Phụ nữ. Sử dụng dữ liệu khảo sát và các nhóm tập trung, nghiên cứu phát hiện ra rằng bà Joyce Banda, tổng thống Malawi vào thời điểm đó, có thể đã phải đối mặt với những hình phạt nặng hơn so với những người tiền nhiệm nam vì những vi phạm tương tự, trong các cuộc thăm dò về một vụ bê bối tham nhũng. Kỳ vọng về sự đứng đắn dành cho nữ giới có thể làm họ ngại rủi ro hơn so với cánh đàn ông.

Cựu tổng thống của Malawi, Joyce Banda, đã trở về nhà hôm thứ Bảy sau 4 năm sống lưu vong, mặc dù đối mặt với nguy cơ bị bắt vì các cáo buộc tham nhũng.
Cựu tổng thống của Malawi, bà Joyce Banda, đã được tại ngoại sau 4 năm tự kiểm điểm, vẫn đối mặt với nguy cơ bị bắt vì các cáo buộc tham nhũng. Ảnh: Cindy Ord, AFP.

Những lời giải thích được đưa ra cũng dựa trên thực tế rằng trong xã hội phụ nữ từng có ít quyền lực hơn nam giới. Vì vậy, bất kỳ quốc gia nào mà ở đó sự bình đẳng giới cao hơn thì khoảng cách tham nhũng giữa hai giới tính sẽ mờ nhạt hơn. Điều này cũng tương tự đối với khoảng cách giới tính trong việc phạm tội nói chung. Tính trung bình, phụ nữ vẫn phạm tội ít hơn nam giới. Nhưng phụ nữ dần phạm tội nhiều hơn trong 50 năm qua. Điều đó một phần là do tiến bộ công nghệ và xã hội đã cho phép họ có nhiều thời gian hơn để làm việc bên ngoài. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với tham nhũng. Khi hàng ngũ quan chức nữ ngày càng phát triển và họ thấy mình bình đẳng với nam giới, định kiến ​​và sự giám sát dựa trên cơ sở giới có thể yếu đi. Ai biết được phụ nữ rồi cũng sẽ thành lập “Old girls’ clubs” (CLB Phụ nữ đứng tuổi).

Có thể bạn quan tâm:

Bên trong doanh nghiệp 644 tỉ USD chuyên bán các mặt hàng bị hoàn trả

Nguồn The Economist