Đối với Trung Quốc thì chính sách quốc gia là rào cản lớn nhất đối với AI. Ảnh: Lisk Feng.
Tại sao nước phát minh ra ChatGPT không phải là Trung Quốc?
Chỉ vài năm trước, Trung Quốc là một trong những đối thủ nặng ký nhất của Mỹ khi nhắc đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (A.I). Cán cân quyền lực thời điểm đó nghiêng về phía Trung Quốc vì nước này có dữ liệu phong phú, các doanh nhân sẵn sàng chi mạnh tay, các nhà khoa học lành nghề và đầy ắp các chính sách hỗ trợ. Trung Quốc lúc bấy giờ đã dẫn đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Ngày nay, nhiều thứ đã thay đổi. Microsoft, một biểu tượng công nghệ của Mỹ đã giúp công ty khởi nghiệp OpenAI đưa chatbot thử nghiệm ChatGPT ra thế giới. Điều này tác động không ít đến cảm xúc và tinh thần của các doanh nhân đam mê công nghệ Trung Quốc. Nhiều người trong số họ nhận ra rằng bất chấp những lời ca ngợi, Trung Quốc đang tụt hậu về trí tuệ nhân tạo và đổi mới công nghệ trên đường đua quốc tế.
“Tại sao ChatGPT không được phát minh ở Trung Quốc? Khoảng cách ChatGPT giữa Trung Quốc và Mỹ lớn đến mức nào”, họ tự hỏi.
Họ cũng đặt ra những câu hỏi về bối cảnh hiện tại trong nước: phải chăng kiểm duyệt khó khăn, căng thẳng địa chính trị và sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với lĩnh vực tư nhân đã khiến Trung Quốc ít “thân thiện” hơn với việc đổi mới?.
Ông Xu Chenggang, một học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Stanford về Kinh tế và Thể chế Trung Quốc, cho biết: “Sự phát triển của bất kỳ sản phẩm công nghệ quan trọng nào cũng không thể tách rời khỏi hệ thống và môi trường mà nó vận hành. Ông lấy ứng dụng Douyin (hay còn TikTok) làm dẫn chứng, cho biết các công ty Trung Quốc khó có thể đạt được sự đổi mới tương tự trong tương lai vì những hạn chế của chính phủ đối với ngành ở thời điểm hiện tại.
Ông nói: “Một khi môi trường mở không còn nữa, sẽ rất khó để tạo ra những sản phẩm như vậy”.
Nếu một thập kỷ trước, Trung Quốc là một miền đất hứa, nuôi dưỡng những ý chí kinh doanh và đổi mới công nghệ, thì giờ đây mọi thứ đã khác.
Bắt đầu từ những năm 1990, tất cả các công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đều là doanh nghiệp tư nhân được tài trợ bằng vốn nước ngoài. Chính phủ để ngành công nghiệp này tự do phát triển vì chưa hiểu sâu về internet và không nghĩ nó sẽ phát triển mạnh mẽ đến vậy.
Vào những năm giữa thập kỷ 2010, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc công nghệ có thể cạnh tranh với Mỹ. Các công ty internet hàng đầu của nước này có vốn hóa thị trường thậm chí ngang hàng với đối thủ cạnh tranh tại Mỹ. Nhiều sản phẩm của các công ty Trung Quốc, như ứng dụng nhắn tin WeChat và dịch vụ thanh toán Alipay, hoạt động tốt hơn các sản phẩm tương tự của Mỹ. Dòng vốn từ khắp nơi trên thế giới đã ồ ạt chảy vào Trung Quốc. Trong một thời gian ngắn, quốc gia này đã sản sinh ra rất nhiều kỳ lân, hoặc các công ty khởi nghiệp trị giá hơn 1 tỉ USD.
Và chỉ cần một vài năm, với động thái “truy cùng đuổi tận” một số công ty công nghệ lớn nhất đất nước và các doanh nhân công nghệ nổi tiếng của Bắc Kinh, cục diện đã thay đổi. Với mục tiêu đảm bảo không có tổ chức hay cá nhân nào có thể gây ảnh hưởng đối với xã hội Trung Quốc, Chính phủ đã cố gắng nắm giữ số ít cổ phần và có ghế trong hội đồng quản trị trong một số công ty để kiểm soát hiệu quả hơn, đồng thời cũng làm mất đi lợi thế đổi mới của ngành.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ và nhà đầu tư cũng không khỏi tự trách mình vì đã tụt hậu so với các đối thủ ở Thung lũng Silicon. Ngay cả trước khi chính phủ bắt đầu áp đặt các biện pháp mạnh tay hơn đối với họ, các nhà lãnh đạo công nghệ Trung Quốc đã quá tập trung vào việc kiếm tiền và hạn chế chi tiêu cho các dự án nghiên cứu không có khả năng mang lại doanh thu trong ngắn hạn. Sau những động thái dữ dội của Chính phủ trong vài năm qua, các giám đốc điều hành thậm chí còn ít có xu hướng đầu tư vào các dự án dài hạn hơn nữa.
Đối với Trung Quốc thì chính sách quốc gia là rào cản lớn nhất đối với A.I, khi mà dữ liệu là “nguyên liệu” đầu vào rất quan trọng để phát triển công nghệ như ChatGPT thì Chính phủ Trung Quốc lại đang kiểm duyệt thông tin lưu hành trên mạng vô cùng gắt gao.
“Nhiều công ty trong ngành công nghiệp internet phải đối mặt với 2 vấn đề khi tạo ra một sản phẩm: Sản phẩm mới không được liên quan đến giao tiếp, không thì phải trải qua rất nhiều sự kiểm duyệt”, ông Hao Peiqiang, một cựu doanh nhân và lập trình viên ở Trung Quốc cho biết.
Theo các chuyên gia và nhà đầu tư Trung Quốc, khoảng cách về trí tuệ nhân tạo với Mỹ dự kiến tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân thứ nhất là vì khả năng tiếp cận các thuật toán lập trình nên ngôn ngữ của A.I. Nhiều trong số chúng không được công khai, vì vậy các công ty Trung Quốc sẽ mất thời gian để phát triển.
Nguyên nhân còn lại là sức mạnh tính toán: Một số người trong lĩnh vực này lo lắng rằng chính phủ Mỹ có thể áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với những con chip quan trọng để cản bước Trung Quốc trong việc phát triển các công cụ AI như ChatGPT.
Nếu ngành công nghệ của Trung Quốc từng được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm, thì giờ đây chính phủ đang điều phối không chỉ cách tiền được đầu tư như thế nào mà còn cả công nghệ nào sẽ nhận được vốn. Trong nhiều năm, Trung Quốc tự hào rằng họ đã nộp nhiều đơn xin cấp bằng sáng chế và trí tuệ nhân tạo hơn Mỹ. Nhưng tính độc đáo và tầm quan trọng của các phát minh đó hiện đã tụt lại so với Mỹ và nhiều nước phát triển khác trong khoảng thời gian từ năm 2020-2021.
Có thể bạn quan tâm:
Tại sao nhiều doanh nghiệp lớn của phương Tây vẫn trụ lại Nga?
Nguồn The New York Times