Rất ít công ty quyết đoán như McDonald’s, bán hết các cửa hàng tại Nga vào tháng 5/2022, ba tháng sau khi chiến tranh nổ ra. Ảnh: Reuters.
Tại sao nhiều doanh nghiệp lớn của phương Tây vẫn trụ lại Nga?
Đã gần một năm kể từ khi Nga tấn công Ukraine, nhưng những người tiêu dùng ở Moscow vẫn có thể mua sữa chua Activia, bàn chải đánh răng Oral-B và serum dưỡng da L'Oréal. Một số sản phẩm còn sót lại từ trước khi Tổng thống Vladimir Putin đưa quân qua biên giới, nhưng nhiều trong số đó vẫn tiếp tục được cung cấp bởi các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu, vốn từng hứa sẽ kéo khỏi Nga.
Và nếu những doanh nghiệp này có ý định trụ lại Nga, thì ngoài những rủi ro pháp lý và uy tín ngày càng tăng, giờ đây họ có một thách thức khác: Điện Kremlin đang khiến việc rời đi trở nên tốn kém hơn.
Mặc dù phương Tây không có biện pháp trừng phạt với lĩnh vực tiêu dùng hàng ngày, nhưng những hạn chế đối với các ngân hàng và cá nhân Nga đã khiến hoạt động ở nước này trở nên khó khăn hơn. Các tập đoàn cởi mở về việc tiếp tục ở lại Nga như Colgate, Procter & Gamble (P&G) và L'Oréal, cần phải cân bằng nhiều yếu tố phức tạp: Bảo vệ lợi nhuận và nhân viên bản địa, duy trì chỗ đứng trên thị trường lớn và không để bị đánh giá tiêu cực về mặt đạo đức, kể cả khi họ vẫn nộp thuế cho Nga.
Người mua sắm tại một siêu thị ở Moscow. Ảnh: Getty Images. |
Chẳng hạn như Giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm của Unilever, ông Alan Jope, cho biết ông có trách nhiệm với 3.000 nhân viên ở Nga và ông không muốn 4 cơ sở sản xuất ở nước này rơi vào tay các ông trùm Nga hoặc rơi vào tay Chính phủ Nga.
Hãng bia Đan Mạch Carlsberg cũng đã cảnh báo về nguy cơ chính quyền Nga có thể quốc hữu hóa một doanh nghiệp để duy trì lực lượng lao động ở mức trước chiến tranh nếu họ nghi ngờ doanh nghiệp đó đang bị mất giá trị một cách có chủ ý.
Đáp lại tuyên bố này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã dẫn luật lao động hiện hành để bảo vệ người lao động ở Nga. “Đây là một quá trình lâu dài,” ông nói.
Những thách thức nói trên lý giải nguyên nhân nhiều công ty từng tuyên bố rời khỏi Nga nhưng chưa hiện thực hóa việc này. Tháng 4/2022, công ty Reckitt Benckiser của Anh, nhà sản xuất viên ngậm giảm ho Strepsils, thông báo sẽ chuyển quyền sở hữu hoạt động kinh doanh tại Nga cho một bên thứ ba hoặc nhân viên địa phương. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất thực phẩm Danone của Pháp đã thông báo rút lui vào tháng 10 nhưng vẫn chưa tìm được người mua. Nhà sản xuất thuốc lá Philip Morris International, vốn đã lên kế hoạch rút lui vào cuối năm ngoái, cho biết họ vẫn đang gặp khó khăn trong việc đàm phán với Nga.
Rất ít công ty quyết đoán như McDonald’s, bán hết các cửa hàng tại Nga vào tháng 5/2022, ba tháng sau khi chiến tranh nổ ra. Tuy nhiên, hành động như vậy giờ đây không còn dễ dàng nữa bởi không có nhiều đối tác mua lại tài sản tiềm năng mà không chịu lệnh trừng phạt. Hơn nữa. Điện Kremlin ngày càng đặt ra những điều kiện khó khăn trong việc chấp thuận các thương vụ mua bán tài sản của phương Tây.
Ông Nabi Abdullaev, cố vấn rủi ro tại công ty tư vấn Control Risks, cho biết: “Rời đi càng muộn càng gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã kiểm soát chặt chẽ các giao dịch mua bán và yêu cầu giảm giá tới 50% cho mọi thương vụ.”
Nói về chi phí tăng thêm khi doanh nghiệp phương Tây rời đi, ông Peskov cho biết: “Thị trường là như vậy và các công ty muốn rời khỏi Nga phải tuân theo các điều kiện của thị trường”.
Lợi nhuận từ thị trường
Để tiếp tục ở lại và tận dụng lợi thế một thị trường vẫn được xem là có thể mang lại lợi nhuận, các doanh nghiệp phương Tây đã khoanh vùng tài chính, trao quyền cho các giám đốc bản địa, ngừng quảng cáo và đầu tư, đồng thời liên tục kiểm tra, kiểm soát để tránh làm ăn với các ngân hàng và cá nhân bị trừng phạt.
Mặc dù Unilever, Colgate và P&G đã bảo vệ quyết định chỉ cung cấp hàng hóa “cơ bản” hoặc “thiết yếu” cho thị trường Nga, nhưng họ vẫn chưa nêu chi tiết phạm vi của doanh nghiệp đã bị thu hẹp như thế nào. Ví dụ, để tránh các biện pháp trừng phạt, Unilever đã cam kết không thu bất kỳ khoản lợi nhuận nào từ Nga. cho biết chiến lược này đang được xem xét và “việc kinh doanh hiện tại thực sự là một hoạt động khép kín”.
Dù tiếp tục trụ lại, một số công ty cũng đã bắt đầu thu hẹp các tài sản đang nắm giữ tại Nga. Hiện có hai nhà máy ở Nga, P&G đã trao quyền ra quyết định cho nhân viên địa phương và họ sẽ báo cáo trực tiếp với giám đốc điều hành. Do doanh số bán hàng ở Nga giảm sút, công ty cũng đã cắt giảm lượng nhân viên ở nước này từ 2.500 xuống còn 1.800 người trong giai đoạn từ 31/3 đến cuối năm 2022.
Trong khi đó, hãng mỹ phẩm Pháp L'Oréal, hiện có 2.500 nhân viên ở Nga, đã đóng các cửa hàng và thu hẹp nguồn cung, nhưng vẫn tiếp tục bán mỹ phẩm tại đây. Tập đoàn bánh kẹo Mondelez của Mỹ nói rằng chocolate Alpen Gold và Milka sản xuất tại Nga là những sản phẩm hàng ngày mà người dân nước này không thể thiếu.
Lối thoát khó khăn
Dù việc rời đi đầy phức tạp nhưng ở lại cũng không ít rủi ro. Nhà sản xuất ngô và đậu Hà Lan Bonduelle của Pháp vào tháng 12 rằng phải lên tiếng bác bỏ thông tin nói rằng họ cung cấp thực phẩm đóng hộp cho quân đội Nga sau khi hình ảnh một người lính cầm sản phẩm của họ được đăng lên mạng xã hội. Vụ việc này được xem như một lời cảnh báo với các công ty phương Tây khác vẫn còn hoạt động Nga.
Các công ty bán thực phẩm hoặc sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng có nguy cơ cao vô tình bị kéo vào các nỗ lực chiến tranh, đặc biệt là nếu Nga chuyển sang “nền kinh tế thời chiến”.
Dự kiến giao tranh căng thẳng hơn vào mùa xuân này có thể làm các doanh nghiệp thêm lo lắng cả ở Nga và ở nước sở tại của các doanh nghiệp.
Ông Mark McNamee, Giám đốc khu vực châu Âu của công ty nghiên cứu FrontierView, cho biết rủi ro danh tiếng khi hoạt động ở Nga đã giảm dần sau hai tháng đầu tiên của cuộc chiến. Nhưng với bối cảnh hiện tại, điều này sẽ không kéo dài lâu.
Có thể bạn quan tâm:
Tỉ phú công nghệ Trung Quốc Bao Fan mất tích bí ẩn
Nguồn Bloomberg