Thứ Ba | 03/06/2014 15:40

Tại sao Moody's duy trì xếp hạng tín nhiệm của Thái Lan?

Công ty Moody's vẫn duy trì xếp hạng tín nhiệm của Thái Lan ở mức ổn định bất chấp khủng hoảng chính trị.
Ngày 3/6, Moody's khẳng định vẫn xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Thái Lan ở mức Baa1 với triển vọng xếp hạng ổn định. Moody's cho rằng, sức mạnh tín dụng của Thái Lan vẫn ở mức cao, có khả năng điều tiết những áp lực kinh tế theo chu kỳ và bất ổn chính trị.

Triển vọng ổn định của Thái Lan phản ánh kỳ vọng rằng, cuộc đảo chính của quân đội và những bất ổn chính trị kéo dài gần đây sẽ không làm suy yếu sức mạnh tín dụng của Thái Lan trong vòng 12 - 18 tháng tới.

Có 3 lý do chính khiến Moody's giữ triển vọng ổn định đối với Thái Lan.

Thứ nhất là, chính phủ Thái Lan vẫn có đầy đủ khả năng quản lý nguồn vốn.

Trong suốt thời gian diễn ra bất ổn chính trị, chính phủ Thái Lan vẫn duy trì hoạt động quản lý nợ thận trọng ngay cả sau cuộc đảo chính của quân đội ngày 22/5 và trong bối cảnh đầu tư, hiệu quả kinh tế suy giảm.

Cơ cấu nợ của Thái Lan đã giảm bớt được những rủi ro về ngoại tệ và tái cấp vốn nhờ sự phụ thuộc vào các công cụ định giá bằng baht và thời gian đáo hạn nợ trung bình tương đối dài.

Tỷ lệ nợ công định giá bằng ngoại tệ so với tổng nợ công trực tiếp của Thái Lan thấp hơn 2% vào cuối năm 2013. Con số này cho thấy, rủi ro rất thấp về chênh lệch tiền tệ xét trên khía cạnh dự trữ ngoại hối của Thái Lan.

Moody's dự báo, Thái Lan vẫn có khả năng xoay sở để giải quyết với mức nợ công hiện tại - tương đối thấp so với mức trung bình về tổng nợ của các nước xếp hạng ngang hàng.

Thứ hai là, thị trường tài chính của Thái Lan có những trụ cột vững chắc, không bị ảnh hưởng bởi đảo chính quân sự.

Theo Moody's, Ngân hàng Trung ương Thái Lan, Văn phòng chính sách tài chính và Văn phòng quản lý nợ công là 3 trụ cột chính của thị trường tài chính Thái Lan, giúp xếp hạng tín nhiệm của nước này không bị hạ thấp.

Thứ ba là, Thái Lan có nguồn lực bên ngoài bền vững.

Moody's dự báo, Thái Lan sẽ đạt thặng dư tài khoản vãng lai khoảng 1% so với GDP của năm 2014 sau khi bị thâm hụt trong năm 2012 và 2013.

Hơn nữa, chỉ số thể hiện mức độ dễ bị tổn thương bởi các yếu tố bên ngoài của Thái Lan thấp hơn so với các nước xếp hạng ngang hàng.

Xếp hạng triển vọng ổn định giúp Thái Lan cân bằng sức mạnh tín dụng cơ bản trước những thách thức phát sinh từ chính trị, sự gia tăng của nợ công và những tiến bộ chậm chạp trong quá trình hợp nhất tài chính.

Thái Lan có thể tiếp tục được tăng xếp hạng tín nhiệm nếu tình hình chính trị được cải thiện, chính phủ có hướng đi rõ ràng đối với cải cách, đạt được những tiến bộ trong quá trình đẩy mạnh nguồn vốn công và tăng trưởng kinh tế có xu hướng phục hồi trở lại như thời kỳ trước khủng hoảng.

Ngược lại, các yếu tố có thể khiến Thái Lan bị hạ xếp hạng tín dụng như, mâu thuẫn giữa quân đội và phe biểu tình leo thang, chi phí huy động vốn chính phủ tăng mạnh, cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối chính thức giảm đáng kể.

Nguồn Theo DVO/ Bangkok Post


Sự kiện