Tại sao giới đầu tư bị hấp dẫn bởi trái phiếu Hy Lạp?
Ban đầu nhìn thì có vẻ con số này khá lớn. Trong danh sách cập nhật về 10 nước mắc nợ nhiều nhất thế giới của tạp chí The Richest, Hy Lạp xếp thứ 3 với tỷ lệ nợ công/GDP là 175%, cao hơn nhiều so với mức 156% trước khi tái cơ cấu vào năm 2012. Trong khi phần lớn các nền kinh tế có xu hướng tăng trưởng trong vòng một vài năm tái cơ cấu nhưng kinh tế Hy Lạp vẫn "chìm nghỉm" mặc dù tốc độ suy thoái chậm hơn.
Dưới đây là đồ thị về thay đổi tỷ lệ nợ công/GDP của Hy Lạp so với các nước khác trước và sau khi tái cơ cấu.
Vậy, tại sao Hy Lạp - một trong những nước đứng đầu thế giới về nợ công - lại khiến giới đầu tư "điên cuồng" muốn cho vay đến vậy?
Thứ nhất là, giới đầu tư thực tế đang "thèm khát" lợi suất.
Trong khoảng thời gian này, thật khó có thể kiếm được ở đâu loại trái phiếu có lợi suất từ khoảng 5% trở lên. Thậm chí, mua số trái phiếu Đức tương đương cũng chỉ đem lại lợi suất chưa đến 1%.
Thứ 2 là, giới đầu tư thường yêu cầu nhiều hơn những gì họ thực sự muốn.
Khi biết rằng, nhu cầu sẽ tăng lên, giới đầu tư thường yêu cầu gấp đôi so với những gì họ thực sự muốn. Một quỹ đầu tư muốn mua số trái phiếu trị giá 100 triệu euro sẽ có thể yêu cầu ít nhất là 200 triệu euro. Những người quen thuộc với thị trường trái phiếu quốc tế cho biết, nhu cầu chính xác thường là dưới 20 tỷ euro, nhưng rõ ràng, so với số trái phiếu bán ra trị giá 3 tỷ euro của Hy Lạp lại cao hơn rất nhiều.
Thứ 3 và có lẽ là điều quan trọng nhất là, các nhà đầu tư được bảo đảm (bằng lịch).
Khi nói đến nợ của một nước thì không chỉ nói về số tiền nước đó phải trả mà còn là thời gian hoàn trả nợ. Khi Hy Lạp tái cơ cấu nợ vào tháng 3/2012, những trái phiếu cũ mà chính phủ chưa thể trả nợ được chuyển thành trái phiếu với thời hạn rất, rất dài - có thể lên đến hàng thập kỷ.
Ngoài số nợ với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Hy Lạp không có bất kỳ khoản thanh toán nợ đáng kể nào khác cho đến tận năm 2023, rất lâu sau khi loại trái phiếu mới đáo hạn vào năm 2019. Dựa vào lịch, những người nắm giữ loại trái phiếu mới sẽ có thời gian hoàn trả nợ lâu hơn so với những cơ sở cho vay thuộc chính phủ - chiếm hơn 1/2 số nợ của Hy Lạp.
Theo cách nói trên thị trường nợ, hiện tại, hồ sơ nợ đáo hạn của Hy Lạp đã được cải thiện hơn. Cơ quan xếp hạng của Moody, cho biết, trước khi tái cơ cấu, nợ của Hy Lạp trung bình đáo hạn chỉ trong 6,5 năm và tăng lên 17 năm sau khi tái cơ cấu. Điểm cộng là nợ của Hy Lạp có lãi suất khởi đầu thấp hơn nhiều, ở 1,5%.
Hãy tưởng tượng, bạn đột nhiên có thể thay đổi nợ thế chấp kỳ hạn 17 năm thành nợ thế chấp kỳ hạn 6 năm với lãi suất thấp hơn nhiều. Dòng tiền của bạn sẽ được cải thiện đáng kể. (Hy Lạp dự kiến bắt đầu trả nợ cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào năm 2017 nhưng sau đó đã mở rộng thành 7 năm với lãi suất thấp giúp cho Hy Lạp dễ xoay xở hơn).
Thứ 4 là, các lãnh đạo châu Âu không muốn một lần nữa trừng phạt các ngân hàng tư nhân.
Các chủ nợ tư nhân đã bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian tái cơ cấu. Những người quen với lối tư duy của lãnh đạo cấp cao châu Âu nói rằng, họ không muốn lặp lại việc tái cơ cấu vì lo sợ sẽ bị các chủ nợ xa lánh, dẫn đến lãi suất lên cao hơn. Nếu xảy ra, giới đầu tư tin rằng, người nộp thuế ở châu Âu sẽ chính là nạn nhân sẽ phải hứng chịu thiệt hại trong tương lai.
Thứ 5 là, giới đầu tư có sự ủng hộ của ECB.
Mario Draghi, chủ tịch ECB từng hứa sẽ làm bất cứ việc gì để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính trong khu vực đồng euro. Trước đó, ông Draghi cho biết, ban điều hành của ECB đã thảo luận về khả năng nới lỏng định lượng - mua trái phiếu chính phủ để kéo giảm lãi suất.
Nguồn Gafin - NCDT/ CNBC