Tại sao Fed sợ phố Wall?
Tuy không xuất hiện trong các báo cáo của Uỷ ban thị trường mở (FOMC) nhưng mục tiêu này chưa bao giờ rời xa tâm trí của các nhà hoạch định chính sách.
Vấn đề này trở nên rõ ràng hơn trong cuộc họp của Fed ngày 30/4-1/5 khi các thành viên của Fed thảo luận về những kỳ vọng của phố Wall với chương trình nới lỏng tiền tệ.
Biên bản họp của Fed nói rằng một vài thành viên của Fed bày tỏ lo ngại rằng những kỳ vọng của nhà đầu tư về quy mô chương trình mua tài sản đã tăng lên mặc dù tỷ lệ thất nghiệp giảm. Trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 7,5% nhưng vẫn không đủ xoa dịu các nhà đầu tư.
Julian Jessop, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics cho biết sự yếu kém của thị trường chứng khoán toàn cầu kể từ khi biên bản cuộc họp FOMC được công bố đến nay đã củng cố quan điểm rằng sự hồi phục của thị trường chứng khoán bị phụ thuộc vào kỳ vọng chính sách nới lỏng tiền tệ.
Trong cuộc họp ngày 22/4, chủ tịch Fed Ben Bernanke phát tín hiệu giảm quy mô chương trình mua tài sản khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo mặc dù chứng khoán Mỹ phục hồi lại vào phiên sau đó.
Theo kịch bản thường thấy, thị trường sẽ giảm điểm do kết quả kinh doanh thấp của các công ty trong quý I/2013 nhưng các chỉ số chính liên tục lập kỷ lục.
Theo Quincy Krosby, chiến lược gia tại Prudential Annuities, thông thường khi các công ty hàng đầu báo cáo lợi nhuận giảm, nhà đầu tư sẽ bán cổ phiếu để đánh giá lại môi trường vĩ mô, tính toán lại để có thêm thông tin. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không quan tâm đến nguyên tắc cơ bản này bởi vì có Fed.
Khó có thể đánh giá mức độ Fed bị ảnh hưởng bởi phản ứng của thị trường. Hầu hết các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế cho rằng tác động của các chính sách mà Fed đưa ra đều tập trung vào thị trường tài chính hơn là ảnh hưởng tới tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất hoặc tăng trưởng kinh tế.
Việc suy đoán Fed có thể giảm quy mô chương trình mua 85 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng trở thành một thước đo cách thức Fed hành động nhằm giảm thiểu tác động tới chứng khoán Mỹ.
Paul Ashworth, chuyên gia kinh tế Mỹ tại Capital Economics cho rằng có vẻ như FOMC sẽ đợi đến cuộc họp giữa tháng 9 để bắt đầu giảm quy mô chương trình nới lỏng.
Đặc biệt, ông Ashworth chỉ ra rằng ngay cả khi Fed đã lựa chọn bắt đầu giảm quy mô mua tài sản ngay trong tháng tới, Fed cũng có thể bắt đầu giảm một lượng rất nhỏ để thăm dò phản ứng của thị trường. Hơn nữa, việc duy trì lãi suất thấp để phục hồi kinh tế cũng rất quan trọng.
Thị trường chứng khoán và lợi suất trái phiếu đang biến động ngược chiều, một thước đo quan trọng mà Fed muốn duy trì. Phản ứng của thị trường sau lời phát biểu của ông Bernanke cho thấy những thách thức mà Fed phải đối mặt trong việc truyền đạt những kế hoạch dự định, theo 2 chuyên gia kinh tế tại Bank of America Merill Lynch.
Chính sách của Fed cũng đã khiến các nền kinh tế được cải thiện mặc dù thị trường việc làm chưa tăng trưởng rõ rệt.
Nguồn CNBC/Dân Việt