Tại sao Fed bất ngờ hoãn giảm kích thích?
Tuy nhiên liệu có phải các phản ứng này là thái quá? Trong phiên họp ngày 18 tháng 9 của mình, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, quyết định không giảm quy mô gói nới lỏng định lượng QE3. FOMC tuyên bố sẽ giữ nguyên mức mua vào 85 tỷ USD trái phiếu chính phủ và trái phiếu thế chấp.
Mặc dù Fed chưa bao giờ tuyên bố sẽ cắt giảm gói QE3 nhưng tất cả các tín hiệu mà họ phát đi đều theo hướng này. Vào tháng 9 năm ngoái khi bắt đầu tung ra gói QE3, Fed đã từng tuyên bố rằng QE cuối cùng rồi cũng phải kết thúc khi triển vọng của thị trường lao động được cải thiện đáng kể.
Kể từ đó, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 8,1% xuống còn 7,3% và tỷ lệ việc làm trong khu vực tư nhân tăng lên 2,3 triệu người – tương đương 2%.
Cuối tháng 5, chủ tịch Fed Ben Bernanke tuyên bố rằng Fed có thể sẽ giảm quy mô gói QE3 vào cuối năm và chấm dứt hẳn QE khi tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 7% mà theo dự kiến của Fed là vào giữa năm 2014.
Vậy thì điều gì đã khiến Fed không thể giảm quy mô gói QE3 như dự kiến?
Lý do thứ nhất là tỷ lệ tăng trưởng việc làm gần đây giảm đi rõ rệt và tỷ lệ thất nghiệp giảm chủ yếu là do số người tham gia lực lượng lao động giảm chỉ còn 63,2% vào tháng 8 – thấp nhất trong vòng 35 năm.
Thứ 2 là chính sách tài khóa tiếp tục có xung đột với chính sách tiền tệ. Thuế tăng và chi tiêu bị cắt giảm đã khiến tăng trưởng giảm ít nhất 1%. Triển vọng dỡ bỏ hạn mức chi tiêu khi năm tài khóa mới bắt đầu vào 1 tháng 10 đã “tan thành mây khói”. Với việc các nghị sỹ Đảng Cộng hòa và Tổng thống Barack Obama không thể đạt được thỏa thuận về việc chi tiêu của Chính phủ hay nâng trần nợ công, rủi ro chính phủ Mỹ phải tạm ngừng hoạt động lại đè nặng lên tâm trí các quan chức của Fed.
Tuy nhiên trở lực thứ 3 và cũng là trở lực nặng nề nhất của Fed là tác động không ngờ tới của việc thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ lên các thị trường tài chính. Fed luôn luôn nhấn mạnh việc giảm bớt quy mô QE không đồng nghĩa với việc chấm dứt QE. Chừng nào Fed còn mua tài sản thì bảng cân đối kế toán của Fed còn tăng và chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng. Hơn thế nữa, Fed chưa bao giờ phản bội cam kết giữ lãi suất liên bang ở mức 0% trừ khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 6,5%.
Tuy nhiên các nhà đầu tư đã có những động thái quyết liệt nhằm định giá lại kỳ vọng về chính sách của Fed và không đưa ra bất kỳ nhận định nào về chính sách thời kỳ hậu QE. Lãi suất trái phiếu và thế chấp tăng 1% kể từ tháng 5 trong khi thị trường địa ốc hạ nhiệt. Chủ tịch Fed Ben Bernanke sợ rằng sự “thắt chặt nhanh chóng của điều kiện tài chính trong vài tháng trở lại đây có thể làm chậm lại quá trình tăng trưởng và vấn đề này có thể trở nên nghiêm trọng nếu như các điều kiện bị thắt chặt hơn nữa.”
Phản ứng phấn khích trên các thị trường đối với quyết định tuần này của Fed càng khẳng định nhận định trên. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc bao giờ Fed cắt giảm gói QE3 lại là vấn đề. FOMC đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay và năm tới khoảng 0,25% so với dự báo hồi tháng 6, xuống còn 2,2% trong năm 2013 và 3% trong năm 2014 đồng thời điều chỉnh dự báo tỷ lệ thất nghiệp.
Với việc chủ tịch Fed đã rút lại quan điểm đưa ra hồi tháng 6, hiện giờ nhà đầu tư không rõ liệu khi nào Fed sẽ tiến hành giảm bớt quy mô gói QE3. Thời điểm này có thể xảy ra vào cuối tháng 10 nếu các số liệu cho thấy nền kinh tế có thể chịu được mức lãi suất tăng cao và tránh được thảm họa về trần nợ công. Tuy nhiên không có bất kỳ một chỉ dẫn rõ ràng nào và điều này làm đau đầu các nhà đầu tư.
Lo ngại kế tiếp của các nhà đầu tư là về việc bảng cân đối tài sản của Fed đã phình to lên mức 3,6 nghìn tỷ USD và lãi suất ở mức 0% kể từ năm 2008 nhưng kết quả đạt được không như mong đợi. Theo số liệu Cục dân số đưa ra hôm 17/9, tỷ lệ thu nhập hộ gia đình ở Mỹ không giảm trong năm 2012 sau khi giảm 8% từ 2007 đến 2011. Và rõ ràng đây là một tín hiệu tích cực. Trong khi đó tình trạng bất bình đẳng thu nhập đang trở nên tồi tệ.
Giáo sư Emmanuel Saez của Đại học California, Berkeley cho biết 10% dân số giàu nhất đã chiếm phần lớn nhất của thu nhập kể từ năm 1917. Một phần của hiện tượng này là do gói QE vốn có tác động rất tích cực với thị trường chứng khoán và giới thượng lưu. QE hoạt động theo cơ chế kích thích tài sản địa ốc và chi tiêu, việc làm nhưng tác động không đồng đều lên toàn bộ nền kinh tế. Và hiện tượng này sẽ còn tiếp diễn.
Nguồn Economist/Dân Việt