Một nhà ga xe lửa đông đúc ở Loni, Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: Getty Images.

 
Hân Nguyễn Chủ Nhật | 30/04/2023 21:34

Tại sao doanh nghiệp toàn cầu ngày càng ưu ái Ấn Độ?

Nếu duy trì đà phát triển, Ấn Độ sẽ vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2026 và đánh bật Nhật Bản vào năm 2032.

Khi ông Tim Cook, CEO của Apple, đến Ấn Độ vào đầu tháng 4 để mở cửa hàng đầu tiên của Apple tại quốc gia này, ông đã được chào đón như một người hùng, với những tràng pháo tay cổ vũ, được tặng một chiếc Macintosh (máy tính Mac của Apple) cổ điển và gặp gỡ các quan chức của đất nước, bao gồm cả Thủ tướng Narendra Modi.

Chuyến thăm của ông Cook minh họa cho làn sóng quan tâm ngày càng tăng mà các tập đoàn và chính phủ thế giới đang thể hiện khi kinh doanh với Ấn Độ. Chỉ vài ngày sau chuyến đi mang tính bước ngoặt của ông, Pret A Manger, một chuỗi cửa hàng bánh sandwich thời thượng của Anh, đã thành lập cửa hàng đầu tiên tại thủ đô thương mại Mumbai, khi đặt cược vào tầng lớp trung lưu đang phát triển của nước này.

Ông Tim Cook, CEO của Apple, đến Ấn Độ vào đầu tháng 4. Ảnh: Reuters.
Ông Tim Cook, CEO của Apple, đến Ấn Độ vào đầu tháng 4. Ảnh: Reuters.

Theo tính toán của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào cuối tuần này, một cột mốc sẽ củng cố hình ảnh “đứa con cưng” của nền kinh tế toàn cầu của Ấn Độ.

Vị thế mới của nước này đã dấy lên những câu hỏi liệu nền kinh tế của Ấn có thể khai thác sức mạnh nhân khẩu học và thay thế Trung Quốc trên những phương diện khác hay không.

Làn sóng đầu tư vào quốc gia 1,4 tỉ dân rõ ràng mới được thúc đẩy gần đây bởi những thay đổi về địa chính trị. Khi các nhà lãnh đạo phương Tây tìm cách thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia có chung giá trị, thì Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới, sẽ được hưởng lợi.

Tăng cường giao hảo

Trong nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp và nâng cao xuất khẩu, chính phủ Ấn Độ đã tìm cách ký kết các hiệp định thương mại tự do, một động thái được đón nhận nồng nhiệt trên khắp thế giới.

Kể từ năm 2021, Ấn Độ đã ký thỏa thuận với Úc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Mauritius. Đồng thời đang đàm phán các thỏa thuận với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Canada.

Nga, quốc gia có hoạt động thương mại với phương Tây đã sụt giảm kể từ khi tấn công Ukraine vào năm ngoái, cũng quan tâm đến việc tăng cường quan hệ với Ấn Độ. Theo ông Shilan Shah, phó giám đốc kinh tế thị trường mới nổi của Capital Economics, động thái này được đánh giá là rủi ro, vì đòi hỏi New Delhi phải đưa ra những lựa chọn thật khéo, vừa làm Washington hài lòng vừa giữ thái độ thiện chí với Moscow.

Mỹ và Ấn Độ trong những tháng gần đây đã tăng cường thắt chặt mối quan hệ, đặc biệt là về quốc phòng và công nghệ, trong một nỗ lực chống lại sự trỗi dậy ngày càng quyết đoán của Trung Quốc. Vào tháng 1, Nhà Trắng đã khởi động quan hệ đối tác với Ấn Độ, qua đó Washington hy vọng sẽ giúp các nước này cạnh tranh với Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo, thiết bị quân sự và chất bán dẫn.

Vào tháng 3, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã đến thăm New Delhi cùng với một nhóm các giám đốc điều hành cấp cao của các công ty Mỹ. Tại đây, bà đã ký một thỏa thuận với các nhà lãnh đạo Ấn Độ để thảo luận về việc phối hợp đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn của hai nước.

Phép màu trong kinh tế

Ngoài địa chính trị, các nguyên tắc cơ bản về kinh tế và nhân khẩu học của Ấn Độ đang thúc đẩy sự quan tâm của doanh nghiệp.

 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế kỳ vọng quốc gia Nam Á này sẽ vượt trội hơn so với tất cả các nền kinh tế lớn mới nổi và tiên tiến trong năm nay, đạt mức tăng trưởng GDP là 5,9%. Để so sánh, nền kinh tế Đức và Anh sẽ trì trệ, trong khi Mỹ chỉ tăng trưởng 1,6%.

Nếu có thể duy trì đà phát triển, Ấn Độ sẽ vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2026 và đánh bật Nhật Bản khỏi vị trí thứ 3 vào năm 2032, theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh.

Trước sự tăng trưởng dự kiến của Ấn Độ, Mỹ đã tỏ ra rất thiện chí.

“Chúng tôi muốn trở thành một phần trong phép màu kinh tế của nước bạn,” ông Donald Lu, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á, nói với hãng thông tấn PTI của Ấn Độ vào tuần trước.

Nhưng tốc độ tăng trưởng GDP và dân số ấn tượng của Ấn Độ là một vấn đề ngày càng nhức nhối.

Ông Kaushik Basu, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, cho biết: “Nếu bạn nhìn vào dữ liệu tổng thể - tăng trưởng GDP, toàn bộ thu nhập quốc gia tăng lên, thì Ấn Độ đang hoạt động khá tốt. Nhưng xét về khía cạnh số lượng việc làm, Ấn Độ đang hoạt động không tốt.“

Ở mức 7,1%, tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ vẫn cao hơn mức trung bình trước đại dịch. Ông Basu nói rằng vấn đề việc làm, mà một số nhà phân tích gọi là quả bom hẹn giờ, đang trở thành một trong những vấn đề lớn nhất của Ấn Độ và có thể trở nên trầm trọng hơn khi dân số tăng lên.

Sản xuất ngày càng phát triển

 

Các nhà kinh tế nói rằng có một câu trả lời rõ ràng cho vấn đề việc làm: xây dựng nhiều nhà máy hơn.

Tính đến năm 2021, ngành sản xuất chiếm chưa đến 15% nền kinh tế hoặc việc làm của Ấn Độ — tương đối nhỏ so với tiêu chuẩn toàn cầu, ông Shah từ Capital Economics lưu ý.

May mắn thay, nhu cầu về nhiều dây chuyền lắp ráp hơn xuất hiện khi các công ty đang tìm kiếm các trung tâm sản xuất mới.

Bà Thamashi De Silva, trợ lý kinh tế của Capital Economics, cho biết: “Việc Apple tăng cường sản xuất và đầu tư vào Ấn Độ chắc chắn đã làm dấy lên hy vọng hình thành một hệ sinh thái điện tử ở nước này và rộng hơn là khuyến khích các công ty đa quốc gia khác”.

Chướng ngại phía trước

Bà Alexandra Hermann, nhà kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics, cho biết Ấn Độ sẽ được hưởng lợi khi các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc, nhưng luật lao động nghiêm ngặt, thuế nhập khẩu cao và những thách thức về hậu cần, sẽ là trở ngại của nước này.

Mặc dù xuất khẩu công nghệ của Ấn Độ đã tăng trưởng đều đặn trong những năm gần đây, nhưng những nơi như Đài Loan và Việt Nam cho đến nay vẫn được hưởng lợi nhiều hơn, bà cho biết.

Theo Ngân hàng Thế giới, bất chấp những cải thiện về cơ sở hạ tầng, chi phí hậu cần của Ấn Độ vẫn cao hơn so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan.

Ông Basu của Đại học Cornell cho biết chìa khóa bây giờ là chính phủ phải đưa ra kế hoạch hấp thụ lao động dư thừa bằng cách tạo ra các công việc sản xuất.

“Hãy làm đúng, và đây là một khoản cổ tức,” ông nói. “Hoặc làm sai và nền kinh tế Ấn Độ sẽ cực kỳ đáng lo ngại.”

Có thể bạn quan tâm: 
Nga "mất chỗ đứng" trên thị trường LNG, quốc gia nào hưởng lợi?

Nguồn CNN