Điều đáng lo ngại đối với các trường kinh doanh là công nghệ, nơi cũng đang tuyển dụng ít MBA hơn. Ảnh: Paul Blow.
Tại sao các thạc sĩ danh giá vẫn chật vật kiếm việc?
Trong kinh doanh, một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của khó khăn là khi công ty trì hoãn công bố kết quả tài chính. Điều đó cũng có vẻ đúng với các trường kinh doanh. Vào khoảng Giáng sinh hoặc trễ hơn, các trường kinh doanh hàng đầu của Mỹ sẽ công bố một báo cáo, có thể được xem như báo cáo thường niên, bao gồm dữ liệu về công việc mới của những sinh viên tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA). Theo The Economist, tại 15 trường kinh doanh hàng đầu, tỷ lệ sinh viên vào năm 2024 đã tìm kiếm và chấp nhận lời mời làm việc trong vòng 3 tháng sau khi tốt nghiệp, một thước đo tiêu chuẩn về kết quả nghề nghiệp, đã giảm 6% xuống còn 84%. So với mức trung bình trong 5 năm qua, tỷ lệ đó đã giảm 8 điểm.
Một số sự suy giảm khiến người ta phải kinh ngạc. Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), vốn được xem là một trong những trường đại học hàng đầu thế giới. Nhưng tại trường kinh doanh Alfred Sloan của đơn vị này, có nhiều dấu hiệu không khả quan. Từ năm 2012-22, trung bình 82% sinh viên tìm kiếm việc làm đã nhận việc ngay khi tốt nghiệp và 93% đã làm như vậy 3 tháng sau đó. Vào năm 2024, những con số đó lần lượt là 62% và 77%. Tại một số trường hàng đầu, thực tế có thể còn tồi tệ hơn vẻ ngoài. Một giáo sư lo ngại rằng, một số sinh viên được coi là doanh nhân thực tế lại đang thất nghiệp. Doanh nghiệp Mỹ có thể đang bùng nổ. Nhưng những người tự coi mình là những nhà lãnh đạo tương lai của nền kinh tế đang phải chịu suy thoái.
Các trường kinh doanh của Mỹ đã quen với dư luận. Quan điểm cho rằng kinh doanh là thứ bạn thực hành chứ không phải thứ bạn có thể dạy đã tồn tại ít nhất từ năm 1908, khi lớp học đầu tiên tại Trường Kinh doanh Harvard (HBS) được tổ chức. Một bài viết năm 2005 trên Harvard Business Review thậm chí đã chỉ trích: "Ngày nay, có thể tìm thấy các giáo sư quản lý có chức danh chính thức mà chưa bao giờ đặt chân vào một doanh nghiệp thực sự." Thậm chí tỉ phú Elon Musk cũng từng bày tỏ lo ngại về số lượng các MBA đang điều hành các công ty lớn.
Tuy nhiên, điều không thể nghi ngờ là thành công to lớn của những sinh viên tốt nghiệp trường kinh doanh của Mỹ. Toàn bộ các lớp sinh viên tốt nghiệp HBS đã được ca ngợi: Tạp chí Fortune gọi những sinh viên tốt nghiệp năm 1949 là “lớp học hốt bạc”. Lớp năm 1982 có ông Jamie Dimon, chủ của JPMorgan Chase, ông Jeffrey Immelt, chủ cũ của General Electric và nhà đầu tư nổi tiếng Seth Klarman. Gần một nửa số công ty trong S&P 500 được điều hành bởi một sinh viên tốt nghiệp MBA.
Như một chiếc giếng sâu, sự uy tín của việc theo học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh cần được liên tục lấp đầy bởi thành công của những người đi trước. Dù gì thì kinh doanh thành công vẫn là đích đến cuối cùng của việc giáo dục kinh doanh. Nhưng dữ liệu việc làm gần đây cho thấy việc học MBA không đảm bảo sự thành công.
Các ngành tư vấn và tài chính từ lâu đã thu hút phần lớn sinh viên tốt nghiệp từ các trường kinh doanh hàng đầu. Hàng năm, McKinsey, Boston Consulting Group và Bain, các công ty tư vấn hàng đầu, gửi rất nhiều nhân viên triển vọng đến các trường kinh doanh. Nhiều người trở về sau khi tốt nghiệp, số khác thì chuyển ngành. Tổ hợp trường kinh doanh và công ty tư vấn mang lại lợi ích cho cả hai bên: các công ty có được nhân tài có chứng chỉ, trong khi các trường kinh doanh có một lượng học viên ổn định và nguồn học phí đáng kể. Mặc dù tỷ lệ sinh viên lựa chọn công việc trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tại các ngân hàng, đã giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng vẫn còn một nhóm đáng kể những người làm trong lĩnh vực vốn tư nhân đang theo học. Một số người hay gọi lộ trình sự nghiệp của họ là "2+2+2", bao gồm hai năm làm việc trong ngân hàng đầu tư, hai năm trong vốn tư nhân và sau đó là hai năm học tại trường kinh doanh một lộ trình nhanh chóng và được trả lương cao cho những người xuất sắc nhất nước Mỹ.
Khi các công ty tư vấn chậm lại việc tuyển dụng sau thời kỳ bùng nổ trong đại dịch, các trường kinh doanh cảm thấy áp lực. Phân tích dữ liệu của The Economist từ 4 trường hàng đầu (Chicago Booth, Columbia, MIT Sloan và NYU Stern) cho thấy số lượng sinh viên tốt nghiệp vào làm tại ba công ty tư vấn lớn đã giảm 1/4 vào năm ngoái, so với 3 năm trước đó.
Điều đáng lo ngại đối với các trường kinh doanh là công nghệ, nơi cũng đang tuyển dụng ít MBA hơn. Sự suy giảm trong việc tuyển dụng của các công ty công nghệ khổng lồ (Alphabet, Amazon, Apple, Meta và Microsoft) đặc biệt rõ rệt. Tại bốn trường hàng đầu kể trên, số sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ đã giảm hơn một nửa vào năm ngoái, so với mức trung bình trong giai đoạn 2018-2022, xuống còn khoảng 50.
Một số rắc rối này chắc chắn mang tính chu kỳ. Ngành công nghệ dễ bị bùng nổ và suy thoái. Sau khi bong bóng dotcom nổ, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp từ Wharton, tại Đại học Pennsylvania, gia nhập các ngành công nghiệp "công nghệ cao" đã nhanh chóng giảm từ 17% xuống 8%. Lần này, sự suy giảm trong mối quan tâm của các công ty công nghệ lớn đối với MBA dường như đã có từ trước đợt điều chỉnh thị trường hậu đại dịch. Do đó, có khả năng các công ty đang bắt đầu không còn hứng thú với các nhà quản lý chuyên nghiệp. Ngay cả khi ngành tư vấn hồi sinh, ít người nghĩ rằng MBA sẽ "giữ vững phong độ" trong tương lai. Các bằng cấp nâng cao, đặc biệt là về khoa học và kỹ thuật, được khách hàng của các nhà tư vấn trọng dụng hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Ấn Độ cần làm gì để tăng xuất khẩu may mặc?
Nguồn The Economist