Tại sao các số liệu xuất khẩu của Trung Quốc đáng nghi?
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hôm thứ 6 cho biết tăng trưởng xuất khẩu 21,8% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, dự báo trước đó đưa ra chỉ tăng 10,1%. Nhập khẩu trong khi đó giảm 15,2%, giảm mạnh nhất 13 tháng, dự báo trước đó là giảm 8,8%.
Có 3 lý do chính để hoài nghi về số liệu này, CNBC dẫn lời của các chuyên gia, bao gồm cả Zhiwei Zhang, kinh tế trưởng Trung Quốc tại Nomura.
Trước tiên, ông Zhang cho rằng, các số liệu "không phù hợp" với xuất khẩu của các nước láng giềng như Hàn Quốc, Đài Loan, lần lượt giảm 8,6% và 15,8% trong tháng trước. Ông lưu ý rằng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc có tương quan rõ ràng, thị trường xuất khẩu chủ chốt của cả hai nước đều là Mỹ và châu Âu.
Thứ hai, số liệu không khớp với chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới trong chỉ số quản lý thu mua (PMI) gần đây, theo Zhang. Chẳng hạn trong tháng 2, thành phần đơn hàng xuất khẩu mới của chỉ số PMI chính thức của Trung Quốc giảm từ 48,5 điểm xuống 47,3 điểm, cho thấy nhu cầu nước ngoài yếu.
Lý do thứ ba khiến nhiều nhà kinh tế cho rằng các số liệu có thể có tác động của con người được hỗ trợ bởi các thương nhân thường phóng đại số liệu xuất khẩu và nói giảm nhập khẩu để di chuyển dòng vốn vào trong nước và né tránh các biện pháp kiểm soát vốn.
Li Huiyung, nhà kinh tế học tại công ty Shenyin & Wanguo Securities cho biết, lượng hàng xuất khẩu tháng 2 cao hơn nhiều dự báo ngay cả khi đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ. Khả năng dòng tiền nóng chảy vào thông qua thương mại không thể loại trừ.
Nhu cầu với đồng nhân dân tệ đã tăng vài tháng gần đây, nhờ kỳ vọng tăng giá đồng tiền này hơn nữa. Lượng mua vào nhân dân tệ của các doanh nghiệp và cá nhân lên tới 684 tỷ nhân dân tệ (110 tỷ USD) trong tháng 1, cao nhất trong lịch sử.
Theo Zhang, đây là một tín hiệu tốt cho dòng vốn chảy vào kinh tế Trung Quốc.
Kinh tế trưởng khu vực châu Á của BBVA, Stephen Schwart cho rằng, trong khi xuất khẩu tăng có thể là kết quả của dòng vốn đầu tư núp dưới dạng dòng thương mại, ông tin rằng bức tranh xuất khẩu về cơ bản đang cải thiện. Nền kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi kể từ sau khi chạm đáy quý III/2012 và dự kiến tăng trưởng 8% trong năm nay.
Mark Matthews, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của ngân hàng Julius Baer đồng ý rằng tăng trưởng trong xuất khẩu có thể gắn liền với việc sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu cải thiện vững chắc.
Nguồn Khampha/CNBC