Thứ Sáu | 15/06/2012 14:27

Tại sao các ngân hàng trung ương khó đưa ra giải pháp chung giải cứu eurozone?

Sau thông tin G20 chuẩn bị cung cấp thanh khoản cho thị trường tài chính, có tin đồn rằng các ngân hàng trung ương lớn đang chuẩn bị phối hợp hành động.
Hôm nay 15/6, hãng Reuters đưa tin các ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế lớn đang chuẩn bị sẵn sàng để ổn định thị trường tài chính và ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tín dụng trong trường hợp bầu cử tại Hy Lạp không mang lại kết quả mong muốn và gây hoảng loạn trong giao dịch thương mại.

Trong tuần qua, thị trường phải chứng kiến rất nhiều biến động trước những suy đoán về kết quả vòng bầu cử quyết định của Hy Lạp. Các nước lo ngại nếu đảng cánh tả chống chương trình thắt lưng buộc bụng Syriza giành chiến thắng, Hy Lạp có thể phá bỏ các điều khoản cứu trợ tài chính và rời eurozone, làm lây lan khủng hoảng tài chính sang các nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát thị trường, điều này rất khó xảy ra, trừ khi kết quả bầu cử tại Hy Lạp vào cuối tuần này gây ra một sự kiện chấn động "kiểu Lehman Brothers", song ngay cả điều đó cũng rất khó xảy ra.

Giám đốc điều hành kiêm chuyên gia phân tích chính trị cao cấp tại Nomura International, Alastair Newton, hôm nay 15/6 nhận định: "Trong trường hợp Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro (eurozone) và gây ra một sự kiện kiểu Lehman Brothers, dẫn đến sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng trong eurozone, đến lúc đó sự phối hợp hành động trên quy mô toàn cầu mới có khả năng xảy ra."

Ngay cả khi các ngân hàng trung ương thực sự muốn phối hợp hành động, họ cũng khó đưa ra một biện pháp thực sự hiệu quả hay thậm chí là khả thi để giải quyết khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra ở châu Âu, các nhà phân tích khẳng định. Nguyên nhân là do bất kỳ giải pháp nào cũng cần phải có sự chấp thuận của người châu Âu đối với việc huy động khoản tiền tiền gửi ngân hàng, trong khi đó Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực eurozone - sẽ kiên quyết chống lại biện pháp đó.

Giáo sư kinh tế tại trường kinh doanh Robert H. Smith thuộc Đại học Maryland, ông Peter Morici nhận định: "Vấn đề thực sự là Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) không có những công cụ cần thiết để bảo đảm khả năng thanh toán của các ngân hàng châu Âu."

Giám đốc đầu tư của Trend Micro, Don Luskin cũng đồng ý với quan điểm của ông Morici và cho rằng sai lầm của ECB trong thực hiện các biện pháp nới lỏng mới là vấn đề cần chú ý lúc này chứ không phải việc phối hợp hành động của các ngân hàng trung ương.

Kinh tế trưởng của Mesirow Financial, Diane Swonk, cũng cho rằng trong trường hợp phải phối hợp hành động, các ngân hàng trung ương có thể phải tung ra các gói kích thích kinh tế lớn hơn dự kiến. Bà Swonk cũng cho rằng ECB và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khá miễn cưỡng đề cập đến khả năng phối hợp hành động vì còn quá nhiều bất ổn  và quá nhiều mặt trận phải chống trọi.

Nguồn CNBC/DVT


Sự kiện