Tỉ phú Bernard Arnault, ông chủ “đế chế” thời trang xa xỉ LVMH. Ảnh: Bloomberg.
Tài sản của tỉ phú giàu nhất hành tinh "bốc hơi" 11,2 tỉ USD trong 1 ngày
Tỉ phú Bernard Arnault, ông chủ “đế chế” thời trang xa xỉ LVMH, đã trở thành người giàu nhất thế giới trong năm 2023 nhờ vào giá cổ phiếu tăng vọt do những nhu cầu về mặt hàng xa xỉ của người tiêu dùng tăng cao.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 23/5, cổ phiếu LVMH giảm mạnh 5% khi kết thúc phiên, đánh dấu mức giảm cao nhất trong hơn một năm của cổ phiếu này. Điều đó có nghĩa là ông Bernard Arnault cũng đã mất 11,2 tỉ USD tài sản chỉ trong 1 ngày.
Song, Tập đoàn LVMH không phải là cái tên duy nhất hứng chịu “cơn bão” lao dốc này. Trên toàn ngành, xu hướng giảm đã làm “bốc hơi” hơn 30 tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường của các công ty thuộc ngành công nghiệp xa xỉ châu Âu. Đà giảm này được tạo ra do sự lo ngại nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng trên thị trường.
Theo Bloomberg Billionaires Index, mặc dù chứng kiến sự sụt giảm, nhưng tài sản của tỉ phú Bernard Arnault vẫn ở mức 191,6 tỉ USD. Được biết, chỉ tính riêng trong năm nay, tỉ phú người Pháp đã “bỏ túi” 29,5 tỉ USD.
Nhưng với cú sốc cổ phiếu, khoảng cách chênh lệch giữa tài sản của ông Arnault và tỉ phú Elon Musk, người giàu thứ 2 thế giới, đã bị thu hẹp xuống còn 11,4 tỉ USD.
Cổ phiếu LVMH chấm dứt chuỗi tăng mạnh sau một đợt tăng trưởng kéo dài trong năm nay. Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu LVMH đã tăng tổng cộng 23%. Trong khi đó, MSCI châu Âu về hàng dệt may và xa xỉ ghi nhận mức tăng 27%.
Các chuyên gia trong ngành từng dự đoán triển vọng kinh tế ảm đạm của Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu đối với các mặt hàng xa xỉ ở châu Âu. Sự suy yếu trong các hoạt động kinh tế Mỹ thời gian gần đây sẽ là đòn đánh mạnh mẽ vào tâm lý của người tiêu dùng trên toàn cầu.
Ngành công nghiệp xa xỉ châu Âu "bốc hơi" 30 tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường. Ảnh: Bloomberg. |
Không những vậy, giới đầu tư sẽ ngày càng có xu hướng thận trọng hơn đối với nhóm cổ phiếu hàng xa xỉ ở châu Âu. Nguyên nhân của việc này là bởi vì mối lo ngại về tốc độ tăng trưởng tại Mỹ chậm lại đã trở thành bóng ma tâm lý phủ lên tâm trí các nhà đầu tư.
Dẫu vậy, nếu xét tất cả các ngành trên thị trường, thì thực tế cho thấy ngành công nghiệp xa xỉ vẫn “ăn nên làm ra”. Trong khi triển vọng kinh tế xấu đi, lãi suất và lạm phát tăng cao, nhiều ngành nghề gặp biến động mạnh, đơn cử như lĩnh vực công nghệ đã chứng kiến những đợt sa thải quy mô lớn, thì nhu cầu đối với những mặt hàng xa xỉ vẫn ổn định.
Có thể bạn quan tâm:
Bộ Tài chính Mỹ: Nguy cơ vỡ nợ sắp xảy ra, Mỹ khó trụ đến ngày 15/6
Nguồn Bloomberg