Một ngân hàng Trung Quốc đã đệ đơn lên tòa án địa phương để phong tỏa 132 triệu nhân dân tệ trong tài khoản của một công ty con thuộc chi nhánh Giang Tô của Evergrande. Ảnh: Asia Times.

 
Mai Nam Thứ Ba | 21/09/2021 14:27

Tài chính toàn cầu chao đảo do lo ngại “quả bom nợ” Evergrande

Do những sai sót về cấu trúc trong hệ thống tài chính của Trung Quốc, có thể phát sinh những Evergrandes khác trong tương lai.

Từ Trung Quốc tới Hồng Kông, châu Âu tới Mỹ, các thị trường chứng khoán đều đỏ lửa do lo ngại tác động nếu “quả bom nợ” Evergrande phát nổ.

Evergrande, nhà phát triển bất động sản đang chao đảo của Trung Quốc, hiện đang là đối tượng của mối quan tâm và đầu cơ toàn cầu khi họ tìm cách thoát khỏi tình trạng thắt chặt thanh khoản và tình trạng nợ nần chồng chất nghiêm trọng. 

Các nhà phân tích đang thảo luận về việc liệu Evergrande sẽ vỡ nợ, trả nợ bằng cách tạo ra tiền mặt thông qua việc bán xe điện và các doanh nghiệp quản lý tài sản của mình, hay phải trông chờ vào một gói cứu trợ của chính phủ.

Theo The Diplomat, vấn đề của Evergrande không hề nhỏ: công ty có hơn 70.000 nhà đầu tư và việc xây dựng nhà cho hơn một triệu người mua nhà bị đình trệ. Tuy nhiên, những Evergrandes khác trong tương lai cũng có thể xuất hiện do những sai sót về cấu trúc trong hệ thống tài chính của Trung Quốc. 

Vấn đề chính là tình trạng mắc nợ quá nhiều, được tạo ra bởi một hệ thống trong đó các thực thể rủi ro được phép vay trong một thời gian dài trước khi đối mặt với nguy cơ phá vỡ sự ổn định xã hội và gây hại cho các nhà đầu tư và các đối thủ cạnh tranh trong ngành. 

Điều này đã xảy ra giữa các doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh của cuộc Khủng hoảng Tài chính toàn cầu, khi các công ty vay nợ để xây dựng cơ sở hạ tầng và kích thích nền kinh tế. Tình hình được phép tiếp tục cho đến khi chính phủ bắt đầu chiến dịch xóa nợ vào năm 2017.

Những lo ngại gia tăng về cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande kéo mọi thứ đi xuống, từ cổ phiếu ngân hàng đến Tập đoàn bảo hiểm Ping An và trái phiếu bằng USD. Cổ phiếu một nhà phát triển bất động sản ít tên tuổi của Trung Quốc đã giảm tới 87% trước khi bị tạm dừng giao dịch.

S&P 500 vừa ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 5 khi mất 1,7% trong phiên giao dịch hôm 20/9. Nasdaq Composite - rổ chỉ số tập trung vào nhóm công nghệ - giảm 2,2%, sau khi mất hơn 3% đầu giờ. Hai chỉ số này hướng tới tháng giảm điểm mạnh nhất từ tháng 9/2020.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng hướng tới mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Đà bán tháo tăng tốc vào giữa phiên, khiến chỉ số quan trọng của Phố Wall giảm tới 972 điểm, trước khi thu hẹp đà giảm nhờ sự phục hồi của một số mã bluechip.

Không riêng tại Mỹ, tình trạng bán tháo cũng diễn ra trên toàn cầu. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông giảm 3,3% trong ngày 20/9, đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 10/2020, trong khi Stoxx Europe 600 của thị trường châu Âu giảm 1,7%.

Các gã khổng lồ bất động sản Hồng Kông cũng hứng chịu đợt bán ra lớn nhất trong hơn một năm. Chỉ số bất động sản của Hang Seng giảm tới 6,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020. Cổ phiếu của Henderson Land giảm 13%, Sun Hung Kai Properties giảm 10%, mạnh nhất kể từ năm 2012.

Diễn biến các chỉ số chính của Phố Wall trong phiên giao dịch ngày 20/9. Ảnh: FactSet.
Diễn biến các chỉ số chính của Phố Wall trong phiên giao dịch ngày 20/9. Ảnh: FactSet.

Những lo ngại ngày càng tăng về rủi ro vỡ nợ của nhà phát triển bất động sản Evergrande Group của Trung Quốc đã kích hoạt làn sóng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro, như cổ phiếu, dầu mỏ và Bitcoin, để chuyển sang các "kênh trú ẩn" khác.

Những người tham gia thị trường ngày càng lo lắng Bắc Kinh sẽ tiếp tục nỗ lực kiềm chế các ngành công nghiệp và để Evergrande sụp đổ.

Biển quảng cáo của Tập đoàn Bất động sản Evergrande tại Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: The Diplomat.
Biển quảng cáo của Tập đoàn Bất động sản Evergrande tại Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: The Diplomat.

"Đây là một mối đe dọa với tăng trưởng toàn cầu", Giám đốc điều hành Ilya Feygin tại WallachBeth Capital cho biết.

CEO Ilya Feygin cho biết thêm: "Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi thứ xấu đi? Điều đó có nghĩa là một hệ lụy đến hệ thống tài chính Trung Quốc và hoạt động kinh tế nói chung trên toàn thế giới vì tầm quan trọng của nước này".

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng thử thách Evergrande vẫn có thể gây ra thiệt hại kéo dài, theo các nhà phân tích của Societe Generale SA.

"Những hậu quả từ sự sụp đổ trong tương lai của Evergrande có thể sẽ góp phần vào sự giảm tốc kinh tế đang diễn ra của Trung Quốc, từ đó kéo theo tăng trưởng và lạm phát toàn cầu, đồng thời ảnh hưởng đến giá hàng hóa", người đứng đầu về chiến lược đầu tư vào các thị trường mới nổi tại London Phoenix Kalen cho biết.

Giáo sư tài chính Chen Zhiwu tại Đại học Hồng Kông cho biết sự sụp đổ của Evergrande, nếu xảy ra, có thể dẫn đến khủng hoảng tín dụng đối với toàn bộ nền kinh tế, khi các tổ chức tài chính lo sợ rủi ro nhiều hơn. Thất bại của Evergrande "không phải là tin tốt cho hệ thống tài chính hoặc nền kinh tế nói chung".

Trong khi đó, giới phân tích chỉ ra các dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế tại Mỹ đã mất dần khi biến thể Delta lan rộng. Mặc dù, vấn đề Evergrande có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bán tháo trong phiên hôm 20/9, nhưng những lo lắng về nền kinh tế toàn cầu và sự tăng giá của thị trường chứng khoán trong năm nay cũng là một phần nguyên nhân.

Dù vậy, tâm lý thị trường đã nhanh chóng thay đổi vào tháng 9. Nhiều nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần cho những biến động mạnh hơn.

Ngay cả sau khi vấn đề Evergrande được giải quyết, căn bệnh nợ nần chồng chất của Trung Quốc vẫn có khả năng tiếp diễn, vì nợ được phép chạy vô giới hạn trong các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế cho đến khi quá muộn để ngăn chặn bất kỳ loại thất thoát nào. Điều này là do sự kém phát triển về tài chính, tạo ra bong bóng giá tài sản và rủi ro đạo đức do giả định về một gói cứu trợ của chính phủ trong thời điểm tồi tệ. 

Có thể bạn quan tâm:

Cách biến thể Delta đe dọa những nền kinh tế đã phủ vaccine