Thứ Ba | 26/06/2012 07:43

Syria lại bắn máy bay thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/6 cho biết Syria lại nổ súng vào 1 chiếc máy bay vận tải quân sự của nước này tham gia tìm kiếm máy bay phản lực F-4.
Công bố này được đưa ra vào đêm trước cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được triệu tập để xem xét vụ Syria bắn hạ máy bay phản lực F-4 mà Thổ Nhĩ Kỳ mô tả như một cuộc tấn công vô cớ trong không phận quốc tế.

Máy bay trinh sát RF-4E đã bị bắn hạ 1 dặm (1,6 km) bên trong không phận quốc tế vào ngày 22/6, và 2 phi công Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn mất tích, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Về phía Syria, phát ngôn viên quân sự Syria thừa nhận hệ thống phòng thủ khu vực của nước này đã bắn rơi máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ vì xâm nhập vào không phận trên vùng biển Syria. Đồng thời, phía Syria cho rằng hợp này được xử lý theo đúng quy định của pháp luật Syria.

"Đây chỉ là một tai nạn chứ không phải là tấn công" và Syria sẽ hợp tác tích cực nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành những động thái tương tự, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi cho biết. Đồng thời, phát ngôn viên Makdissi cũng cho biết "nỗ lực cứu hộ đang được các bên phối hợp tiến hành".

Ngày 23/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul tuyên bố nước này sẽ có "hành động cần thiết" chống Syria, rằng Ankara không thể phớt lờ thực tế này và sẽ thực hiện mọi điều cần thiết sau khi vụ việc được làm sáng tỏ.

Phó Thủ tướng Bulent Arinc cũng phát biểu tại một cuộc họp báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự bảo vệ mình trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế chống lại "hành động thù địch" của Syria về việc bắn rơi F-4 máy bay chiến đấu tuần trước. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ "không có ý định tiến hành chiến tranh với bất cứ nước nào", Phó Thủ tướng cho biết thêm.

Tuy nhiên, động thái mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ có thể là đe dọa cắt giảm xuất khẩu điện cho Syria. "Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét lý do nhân đạo có thể tiếp tục cung cấp điện cho Syria để cuộc sống hàng ngày của người dân không bị ảnh hưởng, tuy nhiên tuyên bố chính thức chỉ được đưa ra vào vài ngày tới", Phó Thủ tướng Bulent Arinc cho biết.

Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu đồng minh NATO phản ứng mạnh mẽ trước vụ Syria bắn rơi máy bay nước này bằng một cuộc họp khẩn cấp diễn ra vào hôm nay (26/6).

Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu cho biết theo Điều 4 trong Hiệp ước thành lập NATO, một nước thành viên nếu nhận thấy an ninh của mình bị đe dọa, có quyền yêu cầu tổ chức họp khẩn để tham vấn các thành viên khác trong khối. Tuy nhiên, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông sẽ yêu cầu NATO xem xét việc bắn hạ máy bay như một cuộc tấn công đối với toàn bộ liên minh theo quy định tại điều 5 nhằm kích hoạt một phản ứng quân sự chung. Nhưng các chuyên gia không mong đợi cuộc họp này sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh.

Tại cuộc họp của EU ở Luxembourg liên quan đến nhiều quốc gia sẽ tham dự cuộc họp của NATO tại Brussels, Ngoại trưởng EU Catherine Ashton lên án hành động bắn hạ máy bay của Syria và kêu gọi "một phản ứng giới hạn" như tăng xử phạt kinh tế đối với Syria.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết Anh và các nước khác muốn EU và Liên Hợp Quốc áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Syria trong những tuần tới nhằm tăng áp lực đối với chế độ Tổng thống Bashar al-Assad.

Mặc dù có sự thất vọng sâu sắc giữa nhiều nước NATO về vấn đề xung đột ở Syria, nơi phe đối lập cho rằng Tổng thống Bashar Assad đã đàn áp cuộc nổi dậy làm chết 14.000 người, nhưng dường như liên minh này vẫn không thể tiến hành các hoạt động quân sự từ khi cuộc nổi dậy ở Syria bắt đầu cách đây hơn 1 năm. Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân là do Trung Quốc và Nga dùng quyền phủ quyết của thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với việc cho phép sử dụng vũ lực mà hành động quân sự này có thể kích hoạt một cuộc xung đột khu vực liên quan đến Iran, Ả rập Xê út và Israel.

Thổ Nhĩ Kỳ, cũng giống các nước phương Tây khác, mâu thuẫn giữa việc muốn loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và lo ngại bất kỳ can thiệp vũ trang nào cũng có thể giải phóng các lực lượng không thể kiểm soát được của Syria.

Vụ việc được cho có thể sẽ đẩy hai nước rơi vào bế tắc mới trong bối cảnh quan hệ song phương vốn đã căng thẳng sau khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Chính phủ Syria đàn áp biểu tình trong các cuộc biểu tình gây bạo động chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad hơn 16 tháng qua.

Các nhà phân tích cũng cho rằng việc bắn hạ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ có thể ảnh hưởng đến cuộc xung đột bằng cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác cung cấp tình báo và vũ khí cho phe đối lập.

Nguồn DP/DVT


Sự kiện