Suy giảm của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào tới châu Á?
Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia ghi nhận tình hình xuất khẩu yếu ớt trong những tháng gần đây. Indonesia, nước có tỷ lệ tăng trưởng đạt 6,5% trong năm 2011, được dự báo là sẽ không đạt được mục tiêu này trong 2 năm tới do nhu cầu từ Trung Quốc sụt giảm. Thái Lan đã hồi phục từ trận lụt lịch sử năm ngoái nhưng giờ đây lại phải đối mặt với thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh.
Thương mại của cả châu Á với Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, phần lớn trong số đó là các nước xuất khẩu hàng sang Trung Quốc để hoàn thiện khâu cuối cùng trước khi xuất sang nước thứ 3. Tuy nhiên, số lượng hàng hóa tồn đọng ở Trung Quốc ngày càng tăng lên khi Bắc Kinh cố gắng chuyển hướng kinh tế từ hướng về xuất khẩu sang tập trung vào tiêu dùng trong nước.
Có thể nghĩ rằng nhu cầu mới từ Trung Quốc sẽ có thể bù đắp lực cầu yếu ớt của châu Âu trong nỗ lực tái cân bằng của Trung Quốc. Tuy nhiên, hy vọng này tắt ngấm khi các nước dần nhận ra rằng nhu cầu của riêng thị trường Trung Quốc không thể tăng đủ nhanh để có thể bù đắp các lỗ hổng ở thị trường Mỹ và châu Âu.
Các nhà hoạch định chính sách châu Á nên làm gì? Một cách chống đỡ là tăng chi tiêu chính phủ thông qua phúc lợi xã hội cùng với đầu tư và đợi cho đến khi Trung Quốc cũng như phần còn lại của thế giới phục hồi trước khi hết tiền. Một cách thông minh hơn là tăng khả năng cạnh tranh và tính linh hoạt của nền kinh tế. Với kinh tế được tự do hóa, các cá nhân và doanh nghiệp có thể thích nghi nhanh chóng và nắm bắt nhiều cơ hội.
Hàn Quốc là một ví dụ minh họa đáng chú ý cho cả hai giải pháp trên. Các chính trị gia trong chiến dịch tranh cử đang cố gắng hứa hẹn nhiều chính sách an sinh xã hội đối với cử tri. Bên cạnh đó, những năm gần đây Seoul đã tích cực thúc đẩy tự do thương mại với hàng loạt các hiệp định tự do thương mại với Mỹ và EU để có thể tăng khả năng cạnh tranh cho các ngành công nghiệp từ bảo hiểm tới điện tử.
Những biện pháp này được hi vọng sẽ tạo nên làn sóng đầu tư trong nước, giúp tăng sản lượng cũng như việc làm. Môi trường cạnh tranh và tự do cũng khuyến khích và tăng thêm năng lực cho các doanh nhân Hàn Quốc thích nghi với các điều kiện bên ngoài luôn luôn biến đổi.
Đồng thời, các chính phủ châu Á cũng cần ghi nhớ những ảnh hưởng tiềm ẩn của việc dòng vốn chạy khỏi châu Á nếu nhà đầu tư trên toàn thế giới mất niềm tin, bởi hầu hết những khoản đầu tư vào khu vực này đều dựa trên giả thiết các nước sẽ tăng trưởng như mức của Trung Quốc.
Nguồn CafeF/TTVN