Sushi Index đo sức khỏe kinh tế Nhật
Ishizu tuyên bố ông vừa tìm ra chỉ số mới để đo nhu cầu tiêu dùng tại Nhật Bản, dựa trên hai thành phần phổ biến của món sushi là cá sòng Nhật Bản và cá ngừ. Đây là cách chuyên gia này theo dõi diễn biến nhu cầu, từ đó tìm ra được ảnh hưởng của "Abenomics" - chính sách tập trung nới lỏng tiền tệ và tài khóa của Thủ tướng Shinzo Abe.
Sử dụng số liệu về chi tiêu của các hộ gia đình, Ishizu đã phát triển "Chỉ số cá ngừ - cá sòng". Cá sòng Nhật Bản rẻ hơn rất nhiều so với cá ngừ đại dương. Chỉ số cho biết một gia đình trung bình chi bao nhiêu cho cá ngừ so với cá sòng.
Cá ngừ sẽ được tiêu thụ mạnh nếu niềm tin tiêu dùng tại Nhật tăng cao. Ảnh: |
Chỉ số này đã tiên đoán chính xác sự suy giảm chi tiêu sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và bùng nổ thị trường chứng khoán cuối năm ngoái, nhờ kỳ vọng vào ông Abe. Dựa trên số liệu mới nhất của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, "Sushi Index" này đã tăng liên tiếp hai tháng. Tháng 3 có mức tăng mạnh nhất kể từ mùa thu năm ngoái.
Ishizu giải thích: "Điều đó chứng tỏ tâm lý người tiêu dùng đang phục hồi mạnh". Theo ông, thịt lợn - thịt bò cũng có thể hợp thành chỉ số mới. Nhưng lo ngại về dịch bò điên thập kỷ trước đã khiến thực phẩm này bị hạn chế nhập khẩu. Vì vậy, số liệu không hoàn toàn đáng tin.
Chi tiêu của người tiêu dùng vào các mặt hàng "xa xỉ", như nhím biển hay dưa vàng, cũng có xu hướng tăng từ giữa năm ngoái. Dù vậy, Ishizu cho rằng việc này chỉ là ngắn hạn. "Nếu người tiêu dùng không được tăng lương và cảm thấy kinh tế còn bấp bênh, chỉ số cá ngừ - cá sòng chắc chắn sẽ giảm", ông giải thích.
Nguồn VnExpress