Niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục suy yếu trong năm nay. Ảnh: The Economist.

 
Lam Ngọc Thứ Năm | 15/08/2024 15:55

Sức mua Trung Quốc suy giảm mạnh trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu

Người tiêu dùng Trung Quốc thắt chặt chi tiêu, chuyển từ hàng hóa cao cấp sang các lựa chọn rẻ hơn, phản ánh tâm lý lo ngại trước tương lai kinh tế.

Nước chanh của thương hiệu Mixue trở thành đồ uống bán chạy trong mùa nắng nóng gay gắt ở khắp Trung Quốc thời gian gần đây, không chỉ bởi sự tươi mát mà chủ yếu là do giá thành hợp lý. Một cốc nước chanh có giá chỉ từ 3,6 nhân dân tệ (0,5 USD), trong khi một cốc trà sữa lại có giá lên tới 15 nhân dân tệ.

Các blogger đã nhận định sự phổ biến của sản phẩm này phản ánh tâm lý tiêu dùng đang ngày càng ảm đạm và xu hướng tiết kiệm gia tăng. Người tiêu dùng dần chuyển dịch từ các sản phẩm đắt tiền sang các sản phẩm thay thế rẻ hơn, và nhiều người đang cố gắng tận dụng từng đồng trong khả năng chi tiêu của mình.

Thực tế cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng vẫn đang tiếp tục suy yếu trong năm nay, thay vì phục hồi sau đại dịch COVID-19. Ngay cả tại Thượng Hải, trung tâm tiêu dùng của Trung Quốc, cũng chứng kiến chi tiêu bán lẻ giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024. Phần lớn điều này liên quan đến thị trường bất động sản ảm đạm, vốn là điểm đến lớn nhất của đầu tư hộ gia đình. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên cũng đang ở mức cao. Mặc dù chi tiêu hộ gia đình chỉ chiếm 39% GDP, so với 54% ở các quốc gia thành viên của Tổ chức Kinh tế Hợp tác và Phát triển (OECD), nhưng tỉ lệ này vẫn tiếp tục giảm.

Đó là lý do tại sao việc giảm cấp sống đang trở thành một hiện thực không thể tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày. Một blogger đã đếm được hơn 5.000 nhà hàng mới mở cửa để phục vụ các bữa ăn dưới hình thức buffet. Một blogger khác đã viết rằng các nhà hàng này đang cho thấy một thực tế cạnh tranh khốc liệt và tự hủy hoại.

Mặt khác, nhiều thanh niên đang tự hào về sự tiết kiệm của mình. Một số đã bắt đầu sử dụng túi nhựa để mang trà sữa thay vì túi xách hàng hiệu. Số lượng túi xách hàng hiệu thực sự được mua đã giảm đi đáng kể. S&P Global báo cáo rằng mặc dù có sự quan tâm khiêm tốn về việc chi tiêu cho hàng xa xỉ trong năm 2023, nhưng lại không có bất kỳ điểm sáng nào trong năm nay.

Các cửa hàng bán mỹ phẩm sắp hết hạn đang thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Nhiều cửa hàng thanh lý với giá chưa đến một nửa so với giá gốc để bán các sản phẩm đồ ăn nhẹ và son môi. Ngành mỹ phẩm đang dẫn đầu đà suy giảm trong chi tiêu ở tỉnh Hải Nam, một trong những khu vực miễn thuế lớn nhất thế giới. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, người tiêu dùng đã chi tiêu ít hơn 4 tỉ nhân dân tệ cho kẻ mắt và kem dưỡng da so với cùng kỳ năm 2023.

Chính phủ dường như đang gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này. Ngày 3/8, Quốc vụ viện đã công bố một kế hoạch 20 điểm để hỗ trợ tiêu dùng trong các lĩnh vực như chăm sóc trẻ em và người già, giáo dục, thể thao và du lịch. Tuy nhiên, các hướng dẫn này tập trung vào việc phát triển thị trường dài hạn, thay vì hỗ trợ cho các hộ gia đình như nhiều chuyên gia đã nhận định trước đó.

Có thể bạn quan tâm:

Nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương chuyển hướng đầu tư

Nguồn The Economist