Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu Trung Quốc
Tất nhiên nếu chỉ riêng gia đình Zhang không thể giúp vực dậy kinh tế toàn cầu, nhưng sức tiêu dùng của gia đình này và hàng triệu người tiêu dùng trung lưu khác ở Trung Quốc có thể coi là một trong những điểm sáng ít ỏi cho viễn cảnh kinh tế toàn cầu.
Trung Châu từ chỗ là một vùng quê nghèo đói nay đã trở thành thủ phủ của tỉnh Hà Nam với nhiều tòa nhà cao tầng. Trong vòng 1 thập kỷ qua, dân số của Trung Châu tăng thêm 3 triệu người lên 9 triệu người. Hiện tượng này đang phổ biến ở hàng trăm thành phố của Trung Quốc.
Cựu chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã mất nhiều năm để tìm cách xóa bỏ giai cấp tư sản, lên án họ, đẩy họ về các vùng quê để học tập người nông dân. Tuy nhiên, ngày nay, quan điểm của lãnh đạo Trung Quốc đã khác và ngày càng nhiều người từ thôn quê chuyển đến các thành phố lớn.
Sức mạnh tiêu dùng
Giới làm luật Trung Quốc cho rằng họ có rất ít lựa chọn bởi mô hình tăng trưởng kinh tế cũ dựa vào xuất khẩu và chi tiêu lớn của chính phủ đã trở nên không bền vững. Do đó, Trung Quốc đang cố gắng chuyển dịch mô hình tăng trưởng dựa vào chi tiêu của chính người tiêu dùng.
Hiện chi tiêu tiêu dùng chiếm khoảng 35% kinh tế Trung Quốc, vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 70% ở các nước phát triển. Khuyến khích hàng triệu người từ nông thôn lên thành thị, giới chức Trung Quốc mong muốn điều này sẽ giúp tái cân bằng nền kinh tế thông qua một chu kỳ phát triển. Những công dân thành thị mới sẽ tăng thu nhập và do đó cũng tăng chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ.
Họ cũng sẽ giáo dục con cái mình theo những tiêu chuẩn cao hơn và tạo ra một thế hệ mới, không phải chỉ là thế hệ công dân hiện đại mà còn là thế hệ tiêu dùng hiện đại. Nếu thành công, Trung Quốc có thể có hơn nửa tỷ công dân thuộc tầng lớp trung lưu trong vòng 10 năm tới.
Theo nghiên cứu của McKinsey, tiêu dùng của Trung Quốc, chủ yếu nhờ tầng lớp trung lưu, sẽ đạt khoảng 6,2 nghìn tỷ USD, gần 1/4 trong tổng mức tiêu dùng toàn cầu 26 nghìn tỷ USD từ nay đến năm 2025. Mức tiêu dùng này nhiều hơn cả tổng mức tiêu dùng của 3 nước khác thuộc BRICS (India 2,5 nghìn tỷ USD, Brazil 1,4 nghìn tỷ USD, Nga 770 tỷ USD).
Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu Trung Quốc thu hút doanh nghiệp nước ngoài
Mỹ có thể vẫn lo ngại về thâm hụt thương mại, nhưng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng từ 27 tỷ USD năm 2003 lên 208 tỷ USD năm 2012. General Motors hiện giờ có thể bán nhiều xe hơi và xe tải ở Trung Quốc hơn thị trường trong nước. Starbucks trung bình cứ mỗi ngày lại mở thêm một cửa hàng, và hãng thời trang của Anh Burberry hiện có 70 đại lý ở 35 thành phố của Trung Quốc. Các thương hiệu từ tầm trung đến hạng sang đều cạnh tranh để giành thị phần ở Trung Quốc – nơi thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh.
Tuy nhiên, đối với giới phê bình, việc Trung Quốc gấp gáp xây dựng tầng lớp trung lưu mới cũng kéo theo những rủi ro về kinh tế môi trường xã hội. Kinh tế Trung Quốc có thể chững lại, thậm chí sụp đổ do gánh nặng nợ nần trước khi xã hội tiêu dùng khởi sắc.
Và giới làm luật Trung Quốc nhận thức được rằng nếu họ thực sự muốn thúc đẩy tiêu dùng, họ cần cải cách hệ thống cấp phép định cư vốn đang ngăn nhiều công nhân định cư ở các thành phố. Bất chấp vậy, quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh.
Nguồn BBC, ChinaDaily/Dân Việt