Thứ Bảy | 07/09/2013 13:09

Sự trỗi dậy của nhân dân tệ và Trung Quốc

Lần đầu tiên, nhân dân tệ lọt vào nhóm 10 đồng tiền giao dịch nhiều nhất thế giới.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hang Thanh toán quốc tế (BIS), nhân dân tệ của Trung Quốc đã vượt krona của Thụy Điển và đô la New Zealand để chiếm vị trí số 9 trên bản xếp hạng các đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới. Sự kiện này cũng đánh dấu cho sự trỗi dậy của siêu cường kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc, khẳng định tầm quan trọng của nền kinh tế nước này đối với kinh tế toàn cầu.

Theo số liệu của cuộc điều tra hồi tháng 4, BIS cho biết giao dịch sử dụng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng hơn 3 lần trong vỏn vẹn 3 năm lên 120 tỷ USD/ngày. Trong khi đó, giá trị giao dịch bằng USD là 4,65 nghìn tỷ USD/ngày.

Sự vươn lên trên bảng xếp hạng của đồng nhân dân tệ cũng cho thấy rõ tham vọng của Trung Quốc nhằm chiếm vị trí quan trọng hơn trên thị trường toàn cầu vốn bị chi phối bởi USD và một phần nào đó là euro. Trước đó vào năm 2010, nhân dân tệ mới chỉ đứng thứ 17 trong số các đồng tiền được giao dịch nhiều nhất. Sự vươn lên mạnh mẽ này làm nổi bật lên bản chất quốc tế của chuỗi cung ứng sản phẩm chế tạo cũng như tính linh hoạt mà các doanh nghiệp Mỹ có thể đạt được khi giao dịch bằng nhân dân tệ.

Cũng theo báo cáo này thì London tiếp tục là trung tâm giao dịch ngoại hối toàn cầu với 41% trong tổng số giá trị giao dịch trung bình hàng ngày xảy ra trên phạm vi toàn London – tăng so với mức 32,6% năm 1998. Trong khi đó thị phần của Mỹ tăng nhẹ từ mức 18,3% năm 1998 lên mức 18,9%.


Hôm thứ 5 vừa rồi, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC hay NHTW của nước này) cho biết có khả năng sẽ nới lỏng các kiểm soát về đầu tư nước ngoài, tăng cường khả năng tiếp cận nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các quan chức PBOC cho rằng sự biến động gần đây của thị trường hay các nhân tố bên ngoài như kế hoạch giảm dần gói nới lỏng định lượng của Fed sẽ có tác động tiêu cực làm chậm lại quá trình nới lỏng các kiểm soát này. Các nhà quan sát cho rằng sự dịch chuyển trong việc sử dụng đồng tiền nào trong giao dịch quốc tế sẽ đẩy nhanh quá trình sử dụng nhân dân tệ rộng rãi hơn.


Theo 1 điều tra của công ty chuyên về dịch vụ thanh toán toàn cầu là Western Union Business Solutions, trong vòng 6 tháng đầu năm 2013, các thanh toán bằng nhân dân tệ của các doanh nghiệp Mỹ tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính phủ Trung Quốc bắt đầu tự do hóa đồng tiền nước này vào năm 2009 tuy nhiên các kiểm soát trên nhân dân tệ vẫn gây khó dễ cho các doanh nghiệp nếu muốn thanh toán trực tiếp bằng Nhân dân tệ. Vào đầu năm 2012, NHTW Trung Quốc tiếp tục thông báo rằng các công ty Trung Quốc có thể thanh toán trực tiếp các giao dịch bằng nhân dân tệ và tiến hành hoán đổi trực tiếp các đồng tiền nước ngoài với nhân dân tệ.

Ông Guido Schulz – giám đốc toàn cẩu về quản trị chiến lược của AFEX – một công ty chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế cho biết: “5 năm trước đây, việc giúp khách hàng thanh toán cho nhà cung cấp Trung Quốc bằng nhân dân tệ gần như là bất khả thi. Tuy nhiên hiện nay, chỉ cần thêm 1 giao dịch là đủ.”

Ông Guren Zhou – giám đốc điều hành của hang sản xuất sàn gỗ Anbo International có trụ sở ở Anh cho biết việc chuyển sang thanh toán trực tiếp bằng nhân dân tệ đã giúp công ty này tiết kiệm hơn 1 triệu USD chi phí.

Sự tăng trưởng nhanh của thị trường ngoại hối toàn cầu cũng như sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhân dân tệ giải thích tại sao các ngân hàng cũng như trung tâm tài chính trên thế giới đang thèm khát đòi chia phần của miếng bánh có tên “giao dịch nhân dân tệ ở nước ngoài.”
Kể từ khi Trung Quốc biến Hong Kong thành trung tâm giao dịch nước ngoài đầu tiên của nhân dân tệ vào năm 2009 thì cạnh tranh nhằm trở thành thị trường chủ yếu của đồng tiền này đã trở nên rất khốc liệt.

Ông Richard Anthony – giám đốc bộ phận giao dịch điện tử của Ngân hàng HSBC tại London cho biết: “Nhân dân tệ đã có sự tăng trưởng thần kỳ trong năm vừa qua. Khối lượng giao dịch tăng mạnh không chỉ từ phía các khách hàng doanh nghiệp mà còn trọng cộng đồng các nhà đầu tư.”

Ông Sheng Songcheng – Vụ trưởng Vụ Thống kê của NHTW Trung Quốc cho biết: “Với 1 nền kinh tế ổn định, hệ thống ngân hàng vững mạnh cũng như tỷ giá hối đoái đang dần chạm mức cân bằng, đã đến lúc Trung Quốc thúc đẩy mở cửa tài khoản vốn. Theo đó, tài khoản vốn phản ánh các dòng tiền đầu tư còn tài khoản vãng lai đo lường các dòng chảy thương mại. Cũng theo ông này thì việc Fed giảm dần chương trình mua trái phiếu dài hạn trị giá 85 tỷ USD mỗi tháng sẽ không ảnh hưởng đến các kế hoạch của Trung Quốc.

Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông trong nước thì một khu vực thương mại tự do mới chuẩn bị được thành lập ở Thượng Hải sẽ thúc đẩy các luật lệ tự do về các giao dịch bằng nhân dân tệ xuyên biên giới.

Theo các nhà phân tích thì việc thả lỏng cho các nhà đầu tư quốc tế là một thay đổi lớn của Trung Quốc – quốc gia từng áp đặt các kiểm soát đặc biệt lên các dòng vốn này cũng như kiểm soát chặt tỷ giá hối đoái nhằm tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu và bảo vệ Trung Quốc khỏi các dòng tiền đầu cơ.

Các nhà kinh tế cho biết nới lỏng các kiểm soát sẽ giúp ngăn chặn sự suy giảm kinh tế ở Trung Quốc thông qua việc khuyến khích sử dụng có hiệu quả hơn các dòng vốn cũng như chấm dứt mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và chuyển hướng sang nhu cầu nội địa.
Tuy nhiên sự chuyển hướng này cũng đem lại những rủi ro nhất định như việc chuyển hướng sang các dòng vốn mạnh có thể làm suy yếu sự ổn định của hệ thống tài chính Trung Quốc vốn đang “căng như dây đàn”.
Tăng trưởng tín dụng mạnh trong vòng 5 năm vừa qua đã khiến cho các ngân hàng gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp và hộ gia đình tăng lên 170% GDP từ 117% năm 2008.

Ông Zhang Ming – kinh tế gia cao cấp của Học viện khoa học xã hội Trung Quốc cho biết: “Việc mở cửa tài khoản vốn quá nhanh tại một quốc gia có nền tài chính mong manh dễ vỡ có thể dẫn đến khủng hoảng.”

Nguồn WSJ/Dân Việt


Sự kiện