Sự trỗi dậy của Đông Nam Á nhìn từ chai whisky
Thương vụ công ty rượu brandy của Philippines thâu tóm công ty rượu whisky Whyte & Mackay của Scotland đã làm rúng động làng kinh doanh trong năm ngoái, góp phần đẩy giá trị các vụ sáp nhập của doanh nghiệp Đông Nam Á lên 68,6 tỷ USD.
Tổng lượng đầu tư ra nước ngoài của khu vực gần như ngang bằng của nước Đức, Liên Hiệp Quốc cho biết.
Trong khi Singapore vẫn là nước dồn dập thâu tóm các công ty nước ngoài nhất, Đông Nam Á ghi nhận sự vươn lên rõ rệt của Philippines và Indonesia.
Sự chuyển dịch này cho thấy sức ảnh hưởng kinh tế của một khu vực từng bị các cường quốc bên ngoài chi phối trong nửa đầu thế kỷ 20.
“Đây là một tín hiệu đáng mừng, nó phản ánh sự chín muồi và sức mạnh đang lên của khu vực”, Bloomberg dẫn lời nhận xét của ông Frederic Neumann, chuyên gia nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings.
Philippines giương “cơ bắp”
Công ty rượu Emperador của Philippines đã đánh bại nhiều đối thủ để thâu tóm công ty rượu Whyte & Mackay của Scotland, chớp cơ hội đưa sản phẩm mới vào thị trường trung lưu nội địa và đưa sản phẩm tấn công thị trường nước ngoài.
“Có rất nhiều công ty tham chiến, nhưng Emperador đã dành được hợp đồng. Đây là một bước đột phát mang tính chất toàn cầu vì Whyte & Mackay hiện diện tại tới hơn 50 quốc gia”, ông Winston Co, Chủ tịch Emperador cho biết.
Chai whisky Scotland của Whyte & Mackay bày bán trong một siêu thị ở Wembley, Anh. |
Tham vọng tương tự cũng thôi thúc tập đoàn Universal Robina mua lại Griffin’s – công ty bánh kẹo của New Zealand - với giá 532 triệu USD. Đây là thương vụ mua bán lớn nhất của một doanh nghiệp Philippines tính đến thời điểm hiện tại.
“Công ty nào cũng ôm mộng vươn ra biển lớn vì thị trường nội địa đang trở nên chật hẹp. Nếu chúng tôi gây dựng được 2 hoặc 3 dòng sản phẩm ở nước ngoài, doanh số và lợi nhuận sẽ được cải thiện đáng kể”, ông Mike Liwanag, Phó chủ tịch công ty Universal Robina bộc bạch.
Đặc biệt các công ty của Philippines đã mua tài sản nước ngoài trên quy mô rộng lớn, từ gã khổng lồ bánh kẹo New Zealand đến một hòn đảo ở Hàn Quốc. Tổng trị giá tài sản lên tới 2,4 tỷ USD trong năm 2014.
Tốc độ tăng trưởng xán lạn cho phép các công ty gom tiền mua sắm. Giới doanh nghiệp quốc gia này nắm trong tay tổng cộng 69 tỷ USD tiền mặt, tăng gấp 3 lần so với 5 năm về trước, theo thống kê của Bloomberg.
Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Philippines tăng lên mức đỉnh cao tại gần 7 tỷ USD trong năm 2014. Tăng trưởng trung bình năm đạt 6,3%, tăng so với mức 4,5% 10 năm về trước.
Đòn bẩy tài chính
Công ty Griffin’s của New Zealand có tuổi đời hơn 100 năm, từng sở hữu các thương hiệu đình đám như Nabisco và Danone.
Tập đoàn Universal Robina mua lại Griffin’s – công ty bánh kẹo của New Zealand. |
Việc một doanh nghiệp bánh quy của Philippines có đủ nguồn tài chính để thâu tóm Griffin’s là bằng chứng cho thấy sức mạnh về kinh tế Đông Nam Á đang bành trướng.
Năm nền kinh tế lớn nhất khu vực sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2015, cao hơn mức 3,6% của Mỹ và 1,2% của khu vực đồng tiền chung euro, Quỹ tiền tệ quốc tế dự đoán.
Trong 5 năm qua, chỉ số chứng khoán MSCI của Đông Nam Á leo dốc 27%, cao hơn mức trung bình 21% của chứng khoán toàn châu Á.
Lạm phát suy giảm khiến các nước đua nhau nới lỏng tiền tệ trên toàn thế giới. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay nợ với chi phí thấp hơn, nâng cao tiềm lực tài chính để tiếp sức các vụ mua bán sáp nhập với nước ngoài.
Universal Robina mua Griffin’s bằng tiền đi vay, công ty cho biết. “Chi phí tài chính đang giảm nhiệt, mở đường cho các công ty tìm kiếm cơ hội tại nước ngoài”, ông Liwanag cho biết.
Các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Đông Nam Á đạt mức trung bình năm 53,4 tỷ USD trong 5 năm tính đến 2013. Con số này cao hơn so với mức 32,3 tỷ USD trong giai đoạn 2004 – 2008.
Chỉ tính riêng trong năm 2013, tổng đầu tư nước ngoài từ Đông Nam Á cán mốc 56,4 tỷ USD, gần bằng mức 57,8 tỷ USD của Đức.
Nhộn nhịp trên mọi địa hạt
Hoạt động mua bán sáp nhập diễn ra sôi động trên nhiều lĩnh vực khác. Ngân hàng Oversea-Chinese Banking của Singapore đã thâu tóm ngân hàng Wing Hang Bank của Hong Kong với giá 5 tỷ USD trong năm 2014.
Tập đoàn bất động sản – năng lượng Sime Darby của Malaysia chào mời giá 1,6 tỷ USD để mua lại công ty dầu cọ New Britain Palm Oil của Anh.
Tập đoàn Sime Darby của Malaysia lăm le mua lại công ty dầu cọ New Britain Palm Oil của Anh. |
Tại Indonesia, công ty dầu khí PT Medco Energi Internasional mua nhiều doanh nghiệp dầu mỏ của Tunisia.
Không phải mọi vụ thâu tóm đều xuất phát từ sức mạnh kinh tế. Mặc dù Thái Lan còn nhức nhối vì chính biến khiến ngành xuất khẩu lao đao, nhiều công ty Xứ Chùa tháp vẫn tìm ra nước ngoài để đầu tư.
Các công ty của Thái đã chi tổng cộng 10,64 tỷ USD để mua tài sản trong quý I năm nay, nhiều gấp đôi so với cả năm 2014.
Lựa chọn đầu tư kiểu này có thể bù lại lợi nhuận sụt giảm tại thị trường nội địa do bất ổn chính trị, đồng thời bảo toàn tăng trưởng, chuyên gia HSBC Neumann chỉ ra.
Nguồn Bizlive