Sự trở lại của thủ tướng Abe và tương lai kinh tế Nhật Bản
Trong quá trình chuẩn bị cho lần trở lại của mình, ông Abe đã không ít lần tuyên bố sẽ đưa kinh tế Nhật Bản trở lại con đường thành công như trong quá khứ. Tuy nhiên, trong một bài phân tích đăng tải trên tờ Wall Street Journal hôm 3/12, học giả thuộc tổ chức American Enterprise Institute, tiến sĩ Micheal Auslin, nhận định lịch sử cho thấy ông Abe sẽ không thể vực dậy kinh tế Nhật Bản.
Thứ nhất, ông Auslin cho rằng Nhật Bản đang ở giữa quá trình chuyển đổi chính trị kéo dài suốt một thế hệ. Đảng LDP đã nắm quyền tại Nhật Bản trong hầu hết khoảng thời gian sau Thế chiến II trước khi bị đánh bại trong cuộc bầu cử năm 2009. Trong suốt khoảng thời gian cầm quyền, vị thế của LDP được củng cố chủ yếu thông qua một hệ thống bảo trợ. Tuy nhiên, bong bóng kinh tế Nhật Bản bắt đầu xì hơi vào năm 1991 bắt đầu là dấu hiệu làm lung lay sự thống trị của đảng LDP.
Mặc dù vậy, đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), sau khi giành chiến thắng năm 2009, đã không thể tạo nên một sự đột phá so với đảng LDP, mặc dù họ nắm quyền tại hạ viện với quyết tâm mạnh mẽ là thay đổi đất nước. Rốt cuộc, những gì đảng DPJ làm được chỉ là những thay đổi liên tục về vị trí lãnh đạo, cũng như tập trung quá mức vào tăng thuế bán hàng.
Kết quả là, kinh tế Nhật Bản suy giảm nghiêm trọng sau những tranh cãi vô ích của các nhà cầm quyền, trong khi sự ủng hộ của công chúng với đảng DPJ suy giảm nghiêm trọng, buộc đương kim thủ tướng Yoshihiko Noda phải tuyên bố giải tán quốc hội vào ngày 16/12 vừa qua.
Trong suốt thời kỳ DPJ nắm quyền, kinh tế Nhật Bản trở nên tồi tệ hơn. Từ chỗ chỉ kinh tế chỉ bị suy yếu đôi chút do chính sách sai lầm của đảng LDP cùng sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu, Nhật Bản giờ đây phải đối mặt với núi nợ lên tới 220% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, những thương hiệu một thời là niềm tự hào của người Nhật Bản như Sony hay Toshiba thì liên tiếp thất bại và đánh mất thị phần cả trong và ngoài nước vào các đối thủ khác.
Ông Auslin cho rằng các nhà chính trị Nhật Bản đang kỳ vọng sẽ đưa đất nước trở lại vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu: chuyên cung cấp các bộ phận máy móc và thiết bị chất lượng cao cho các doanh nghiệp khác trên thế giới. Tuy nhiên, trận sóng thần năm 2011 cho thấy vai trò của Nhật Bản đối với các nhà sản xuất toàn cầu đã ít quan trọng hơn so với Trung Quốc, Mỹ hay những quốc gia khác.
Đáng lý ra, thảm họa 2011 sẽ là cơ hội để đảng DPJ thúc đẩy cải cách, nhưng họ lại làm tổn thương nền kinh tế bằng việc cho đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân, đồng thời đe dọa sẽ tăng thuế khí thải carbon với các doanh nghiệp.
Như vậy, ông Abe giờ đây đã trở lại vị trí thủ tướng giữa một mớ "lộn xộn" cả về kinh tế và chính trị mà đảng DPJ để lại. Ông Abe từng không ít lần tuyên bố kế hoạch ngăn chặn sự đi xuống của kinh tế Nhật Bản, đồng thời ép giá đồng yên với chính sách tiền tệ được nới lỏng hơn nữa và tái khởi động các dự án công trình công cộng bị đình trệ từ giữa thập niên 1990. Trên thực tế, hầu hết những hứa hẹn mà ông Abe đưa ra chỉ là sự lặp lại chính sách của đảng LDP những năm 1990, ông Auslin nhận xét.
"Việc không tham gia vào xu hướng thương mại toàn cầu sẽ khiến Nhật Bản bị cô lập hơn bao giờ hết" |
Ngoài ra, với chính sách truyền thống của LDP là dựa vào sự hỗ trợ từ ngành công nghiệp nông nghiệp, dường như rất khó để ông Abe nhận được sự ủng hộ từ chính quyền địa phương đối với kế hoạch đưa Nhật Bản gia nhập khu vực thương mại miễn thuế Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, việc không tham gia vào xu hướng thương mại toàn cầu sẽ khiến Nhật Bản bị cô lập hơn bao giờ hết, ông Auslin nhận định.
Tuy nhiên, ông Auslin cho rằng thách thức lớn nhất của ông Abe lúc này đó là sự đứt gãy trong nền chính trị Nhật Bản. Nhật Bản, sau một thời gian dài dưới sự thống trị của đảng LDP, giờ đây giống như một chiếc kính vạn hoa về chính trị, khi các đảng phái mới liên tiếp mọc lên với những cương lĩnh chính trị trái ngược nhau. Những đảng phải này lại liên kết hoặc đối địch nhau khiến quá trình thông qua một chính sách trở nên vô cùng khó khăn. Sự thất bại của ông Noda khi không thể thông qua luật thuế bán hàng mới chính là minh chứng rõ nét nhất.
Nếu không có một cương lĩnh chính trị rõ ràng hay một nền tảng chính sách hấp dẫn và cương quyết, rất khó để ông Abe có thể tạo được sự cải cách cần thiết với kinh tế, qua đó lấy lại vị thế của Nhật Bản. Chắc chắn ông Abe sẽ phải sẵn sàng lập liên minh với các đảng nhỏ hơn và tìm cách đối phó với sự chống đối của đảng DPJ.
Tuy nhiên, không phải ông Abe không có cơ hội để vực dậy kinh tế Nhật Bản, ông Auslin nói. Trong quá khứ, người tiền nhiệm của ông Abe, thủ tưởng Junichiro Koizumi, từng rất thành công trong việc làm sống lại Nhật bản. Ông Koizumi đã thực hiện một loạt cải cách nhằm giảm nợ và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Năm 2004, kinh tế Nhật Bản dưới thời ông Koizumi đã tăng trưởng tới 2,7%, mức cao nhất trong nhóm G7 tại thời điểm đó.
Năm 2006, khi lên tiếp quản vị trí của ông Koizumi, ông Abe đã không tận dụng được những chính sách cải cách đó. Điều đó cũng gióng lên hồi chuông "báo tử" với LDP, đồng thời đẩy Nhật bản vào thập kỷ mất mát.
Nhiệm kỳ thứ 2 chắc chắn vô cùng khó khăn cho ông Abe. Tuy nhiên, nếu ông muốn có được sự tin tưởng của các cử tri và sự ủng hộ cần thiết, ông cần phải thực hiện các cải cách triệt để, đồng thời vực dậy tinh thần vượt khó và đoàn kết của người dân Nhật Bản.
Nguồn WSJ/Khampha
kinh tế Nhật Bản