Thứ Ba | 31/07/2012 19:06

Sự trở lại của Berlusconi - Điều cuối cùng Italia cần?

Tương lai ảm đạm của nền kinh tế cùng những bất ổn chính trị đang tạo điều kiện cho cựu thủ tướng Silvio Berlusconi trở lại nắm quyền tại Italia.
Trước đây, thật khó để tưởng tượng làm thế nào ông Silvio Berlusconi, cựu thủ tướng đầy tai tiếng của Italia, có thể trở lại chính trường thêm một lần nữa. Tuy nhiên, thật đáng buồn cho Italia và châu Âu, giờ đây điều đó là hoàn toàn có thể.

Ông Berlusconi, 75 tuổi, gần như bị toàn thể đất nước Italia ghét bỏ khi rời nhiệm sở vào tháng 11 năm ngoái, và sự nghiệp chính trị của ông dường như đã chấm dứt. Nhưng ngay cả khi trở về nghỉ hưu, ông Berlusconi cũng phải vất vả bảo vệ mình trước những cáo buộc về các buổi tiệc tùng xa hoa và những bê bối sex.

Sau những ngày tháng chìm trong khủng hoảng, hy vọng một lần nữa lại nhen nhóm khi tổng thống Italia chỉ định một chính phủ lâm thời, dưới sự dẫn dắt của tân thủ tướng Mario Monti. Dù không có thành tích chính trị rực rỡ, nhưng ông Monti là một người được các tổ chức quốc tế coi trọng, và người dân Italia kỳ vọng rằng chính phủ mới do ông đứng đầu sẽ đủ sức nắm bắt và giải quyết các vấn đề tài chính của Italia.

Tuy nhiên, khi chính phủ mới bắt đầu suy yếu và nhiều khả năng Italia phải tổ chức một cuộc bầu cử sớm, ông Berlusconi bắt đầu có tham vọng trở lại chính trường bất chấp vị thế suy yếu của đảng Nhân dân Dân chủ của ông. Ông cho rằng khi chính quyền lâm thời của ông Monti hết nhiệm kỳ, các nhà chính trị Italia sẽ trở lại tình trạng "bình thường" và quay sang ủng hộ ông.

Kể từ khi nhậm chức, Monti và nhóm kỹ trị của ông đã thực hiện khá tốt các công việc của đất nước. Họ mạnh dạn tăng thuế và giảm chi tiêu công, đặt chính sách tài chính dưới quyền kiểm soát của chính phủ. Tuy nhiên, những cải cách trong thị trường lao động và các khu vực yếu kém khác của nền kinh tế Italia vẫn chưa chứng minh được hiệu quả, và ở những khu vực này vẫn còn khá nhiều việc phải làm.

Mặc dù thủ tướng Mondi đã có một sự khởi đầu tốt và đã làm được nhiều thứ chỉ trong một thời gian ngắn, song triển vọng kinh tế mờ mịt đang khiến người Italia mất kiên nhẫn. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao trong khi kinh tế thì thu hẹp nhanh chóng. Những lo ngại mới về tương lai của các nước khu vực đồng euro đã khiến lợi suất trái phiếu 10 năm của Tây Ban Nha lên đến 7% trong những ngày gần đây, trong khi tại Italia, bất chấp nỗ lực của ông Monti, vẫn trên 6%.

Không giống như Tây Ban Nha, Italia có thặng dư ngân sách và hệ thống ngân hàng cũng khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, các thị trường vẫn tỏ ra vô cùng lo ngại cho tương lai của Italia.

Có hai lý do cho tình trạng trên. Thứ nhất, nợ Italia vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 125% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thứ hai, bất ổn chính trị ngày càng tăng khiến những chương trình cải cách của ông Monti bị đặt dấu hỏi lớn.

Các khoản nợ là những "di sản" do những chính phủ tiền nhiệm để lại, bao gồm cả chính phủ của ông Berlusconi. Do đó, sự trở lại của cựu thủ tướng Berlusconi chỉ gây rủi ro thêm cho chi phí đi vay của Italia.

Các phiên họp kín về chính sách thắt lưng buộc bụng của châu Âu có thể là cứu cánh cho chính quyền của ông Monti khi ủng hộ Ngân hàng trung ương châu Âu mua lại nợ chính phủ Italia, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các nhà đầu tư. Điều đó không chỉ giúp làm giảm lãi suất các khoản nợ của Italia, mà còn cho các cử tri trong nước thấy kết quả tích cực từ những chính sách cắt giảm ngân sách của chính phủ mới, đồng thời ngăn chặn mọi nỗ lực công kích từ phía ông Berlusconi.

Tuy nhiên, Đức lại phản ứng dữ dội việc ECB mua lại trái phiếu nợ của các nước gặp khó khăn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì cơ hội trở lại nắm quyền lực của ông Berlusconi sẽ ngày càng tăng.

Tương lai của Italia sẽ vẫn còn mờ mịt chừng nào đất nước và các chính trị gia không nhìn nhận đúng về những cải cách của ông Monti và chúng cần được củng cố và mở rộng hơn nữa. Dù có hay không sự trở lại của ông Berlusconi, điều cuối cùng mà Italia cần đó là trở lại trạng thái bình thường như thời điểm trước khủng hoảng.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Sự kiện