Thứ Tư | 11/06/2014 12:41

Sự tĩnh lặng đáng sợ của các thị trường

Mức độ biến thiên của cổ phiếu Mỹ, cũng như nhiều thị trường khác đang ở mức thấp bất thường, tương tự như trước khủng hoảng tài chính 2007.

Các thị trường toàn cầu đang ít biến động hơn bất cứ thời điểm nào khác trong gần 1 thập kỷ gần đây khi sự can thiệp của các ngân hàng trung ương giúp giá cổ phiếu đạt các mức cao kỷ lục và lãi suất thấp chưa từng có.

Các số liệu về độ biến thiên thị trường của tiền tệ, cổ phiếu, trái phiếu và dầu lửa, tất cả đều rơi thẳng đứng, với nguyên nhân, theo các nhà phân tích, là suy nghĩ phổ biến về việc các mức lãi suất chính thức sẽ tiếp tục ở mức thấp kỷ lục trong một thời gian dài.

Chứng khoán toàn cầu đã đạt các mức cao kỷ lục đầu tuần này, với việc chỉ số FTSE toàn cầu tăng 0,2% lên 281,48 điểm, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ của một số nước châu Âu giảm xuống các mức thấp trong hàng thế kỷ gần đây. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Tây Ban Nha đã xuống thấp hơn cả mức thấp của trái phiếu Mỹ kể từ năm 2010.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn chưa quên dư âm của thời kỳ tĩnh lặng trước khủng hoảng tài chính 2007. George Magnus, Tư vấn kinh tế cho UBS, nói rằng, có một sự tương đồng với cái gọi là thời kỳ “Đại ổn định” trước năm 2007. “Giai đoạn Đại ổn định đó đã kết thúc bằng Đại bất ổn và điều này rất có thể cũng đang tái diễn”, Magnus cảnh báo.

Chỉ số Vix - Chỉ số sợ hãi của Phố Wall, đo lường mức biến động kỳ vọng của chứng khoán Mỹ - vẫn ở mức thấp trong vòng 7 năm. Một chỉ số tương tự đo lường sự biến động của hệ thống tiền tệ toàn cầu cũng chạm mức thấp nhất kể từ năm 2001. Mức biến động giá dầu thấp nhất kể từ ít nhất là năm 2007.

“Chỉ số Vix cho thấy các nhà đầu tư đang rất tự mãn và không có lo lắng về một cú sốc ngoại sinh hay rủi ro địa chính trị”, Russ Koesterich, Chiến lược gia trưởng toàn cầu về đầu tư ở BlackRock, nói.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách còn đang “hổn hển” sau khủng hoảng tài chính 2007, sự yên tĩnh của thị trường đã đánh vào doanh số giao dịch của các ngân hàng. “Rốt cuộc sẽ có một cơn bão, nhưng chỉ số Vix không nói với bạn về thời điểm cơn bão ập đến”, Koesterich nói.

Matt Cobon, nhà quản lý quỹ ở Threadneedle Investments, nói rằng: “Các thị trường dường như đã đánh cược cả chì lẫn chài vào việc lãi suất sẽ ở mức thấp mãi mãi… Cảm giác cứ như là các dữ liệu của chúng ta chả liên quan gì đến những kỳ vọng này”.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất chính sách xuống các mức thấp hơn và đưa ra các biện pháp mới nhằm bơm thanh khoản cho các ngân hàng. “Cứ khi nào sự biến động của thị trường tăng lên, các ngân hàng trung ương lại tìm cách dập tắt nó”, Jack Ablin, Giám đốc đầu tư của Harris Private Bank, nói.

Bằng cách cắt giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương muốn nói rằng, họ sẽ đẩy lùi thảm họa. Các nước phát triển đã lấy lại tăng trưởng và các tin tức kinh tế trở nên dễ dự đoán hơn.

Citigroup cho biết, độ biến thiên của chỉ số “ngạc nhiên kinh tế” mà tập đoàn này tính toán đối với các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chạm mức thấp kỷ lục trong thời gian gần đây.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện