Sự thật về thị trường tiêu dùng châu Phi
Ngồi bên dưới bóng râm các tòa nhà chọc trời bằng kính, các doanh nhân vừa gọi cho mình một ly cà phê vừa xem tài liệu trên máy tính. “Bạn không thể tưởng tượng được điều này thậm chí cách đây 5 năm. Đã có một sự thay đổi rất lớn ở đây”, Joseph Baffour, một nhà tài phiệt trong nước, nói về khung cảnh xung quanh ông trong khi đang ngồi trong quán cà phê thuộc khu tài chính của thủ đô Accra (Ghana).
Tại một châu lục từng “đồng hành” với chiến tranh, nạn đói nghèo, một tầng lớp trung lưu đã bắt đầu trỗi dậy, thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế cùng tốc độ đô thị hóa. Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu có liên quan đến sự phát triển của chế độ dân chủ và luật lệ được cải thiện hơn, vốn tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn.
Tuy nhiên, bước ra khỏi các trung tâm thương mại, các tòa nhà cao tầng đang mọc lên trên khắp châu lục lại là một thực tế khác về tầng lớp trung lưu. Chỉ vài dặm dọc theo khu cà phê ở Accra là những cột khói bốc lên cuồn cuộn che phủ khu Agbogbloshie, một bãi rác đồ phế thải kỹ thuật số. Tại đây hàng trăm người dân đang đánh cược với sức khỏe của mình khi đốt các món đồ điện tử cũ để lấy các phần còn sử dụng được. Bỏ qua tầng lớp trung lưu ở thủ đô Accra, tầng lớp trung lưu ở những nơi khác càng khó tìm hơn: những tòa nhà cao tầng nhường chỗ cho các túp lều nghèo nàn và thay vào những người khoác bộ cánh sang trọng là những người đi chân trần lam lũ.
Tình cảnh cũng tương tự tại hầu hết các nước khác ở châu Phi. Chưa có dữ liệu chính xác về tầng lớp trung lưu nhưng con số vẫn khiêm tốn tại đa số các nước ở châu lục này. Pew Research Centre (Mỹ) tính toán chỉ 6% người châu Phi được đánh giá là thuộc tầng lớp trung lưu, mà theo định nghĩa là những người kiếm được 10-20 USD/ngày. Nếu dựa vào định nghĩa này, số người trung lưu ở châu Phi gần như không thay đổi trong suốt 1 thập niên tính đến năm 2011.
Số liệu gần đây hơn của hãng tư vấn EIU Canback thì cho thấy tầng lớp trung lưu có tăng trưởng trong suốt thập niên tính đến năm 2014, nhưng với tốc độ rất chậm: có đến 90% người châu Phi vẫn sống dưới ngưỡng 10 USD/ngày và tỉ lệ tầng lớp trung lưu kiếm được 10-20 USD/ngày (không tính Nam Phi) tăng từ 4,4% đến chỉ 6,2% trong giai đoạn 2004-2014; trong cùng thập niên, tỉ lệ người có thu nhập trung bình cao, tức kiếm được 20-50 USD/ngày, thì tăng từ 1,4% lên mức 2,3%.
Các nghiên cứu khác cũng đầy thất vọng. Theo Standard Bank, một tổ chức cho vay của Nam Phi, mặc dù con số có tăng lên, nhưng chỉ có 15 triệu hộ gia đình trung lưu tại 11 trong số những nền kinh tế lớn hơn thuộc khu vực châu Phi hạ Sahara (ngoại trừ Nam Phi). Những hộ gia đình này kiếm được từ 15-115 USD/ngày.
Tầng lớp trung lưu của châu Phi, tính theo % dân số |
Từ những dữ liệu này, một câu hỏi được đặt ra là tại sao tầng lớp trung lưu lại khiêm tốn đến thế sau 1 thập niên nền kinh tế châu lục chứng kiến tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 5%/năm, khoảng gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng dân số. Một lý do là không có sự chia đều của cải làm ra giữa các nền kinh tế trong khu vực. Trong những năm gần đây, đi kèm với tăng trưởng kinh tế là tình trạng bất bình đẳng cũng gia tăng ở hầu hết các nền kinh tế châu Phi.
Một lý do khác là tình trạng đói nghèo ở nhiều nơi tại châu Phi quá nghiêm trọng đến nỗi mà thậm chí thu nhập của hàng triệu người dân đã tăng gấp đôi, nhưng họ vẫn thuộc diện nghèo, dù đã thoát ra khỏi diện “rất nghèo”. Laurence Chandy, nhà nghiên cứu tại tổ chức Brookings Institution (Mỹ), chỉ ra rằng một người trung bình bị rơi vào diện “rất nghèo” ở châu Phi sống chỉ 74 cent/ngày trong năm 2011, so với 98 cent/ngày ở các nền kinh tế đang phát triển khác.
Ethiopia, một trong những quốc gia đông dân nhất châu Phi và cũng thuộc hàng có tốc độ tăng trưởng đứng đầu khu vực, là một ví dụ điển hình. Tỉ lệ người Ethiopia sống hơn 10 USD/ngày đã tăng gấp hơn 10 lần trong thập niên tính đến năm 2014 lên mức 2% dân số. Thế nhưng, điều này cũng có nghĩa là có đến xấp xỉ 98% người dân Ethiopia sống dưới ngưỡng này.
Mức lương thấp còn hơn là không có gì cả, nhưng những ai sống 10-20 USD/ngày khó mà thảnh thơi ngồi thưởng thức món nước yêu thích lúc mặt trời lặn. Đối với đa số họ, cuộc sống vẫn khó khăn. Awal Ibrahim, chẳng hạn, sống bằng nghề cắt đồng khỏi các sợi dây trong máy tính cũ tại Agbogbloshie. Làm việc liên tục dưới cái nắng như đổ lửa, nhưng anh cũng chỉ kiếm được khoảng 20 cedis (tương đương 5 USD) mỗi ngày. Liệu anh có cảm thấy mình nghèo? Awal đưa mắt nhìn khu Sodom mịt mờ tương lai ở xung quanh mình, rồi thở dài: “Nếu có thể tìm được công việc khác thì tôi đã làm rồi”.
Đó chính là vấn đề. Không giống như châu Á, châu Phi đã không phát triển được các ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm và trả lương hậu. Chỉ một vài quốc gia sản xuất nhiều, chủ yếu bởi vì thị trường ở các quốc gia này có quy mô nhỏ và các rào cản dựng lên đối với hoạt động giao thương trong nội khu châu Phi quá lớn. Hầu hết những người rời nông thôn đều nhảy vào làm các công việc sử dụng lao động nhiều nhưng không có năng suất cao. John Page, nhà nghiên cứu tại Brookings Institution, cho biết những công việc như vậy tính trung bình có năng suất chỉ gấp 2 lần những công việc ở quê nhà.
Đối với những nhà đầu tư đặt quá nhiều kỳ vọng vào viễn cảnh xán lạn của một thị trường tiêu dùng châu Phi khổng lồ với tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh, thì những hiện thực nói trên là một điều lo ngại. Cơn sốt hàng hóa đã chấm dứt và hầu như những người giàu có nhất tại châu lục này đang có xu hướng dè xẻn chi tiêu ngay khi thấy những dấu hiệu đầu tiên của biến động kinh tế, như họ đã làm tại Nigeria và Nam Phi, 2 nền kinh tế lớn nhất châu lục.
Do đã lỡ dự báo quá lạc quan về tầng lớp trung lưu ở châu Phi, nhiều tập đoàn lớn hiện nhận thấy hoạt động kinh doanh đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn rất nhiều so với dự kiến của họ. Cách đây vài năm, Shoprite Holdings, nhà bán lẻ lớn nhất châu Phi, dự tính mở ra tới 600-800 cửa hàng tại Nigeria. Nhưng hiện tại, doanh nghiệp này chỉ có 12 cửa hàng. Tại Kenya, các tập đoàn lớn như Cadbury và Coca-Cola đã đóng cửa các nhà máy. “Chúng tôi những tưởng châu Phi sẽ là châu Á thứ hai. Thế nhưng chúng tôi đã nhận ra rằng tầng lớp trung lưu... cực kỳ nhỏ và không hề tăng trưởng”, Tổng Giám đốc Nestlé khu vực châu Phi đã nói như thế hồi đầu năm nay.
Những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính dồi dào có thể kiên nhẫn chờ đến ngày tầng lớp trung lưu châu Phi thực sự tỏa sáng. Trong thời gian chờ đợi, họ đang nhắm đến những người đi mua sắm ít tiền hơn với những món đồ như các túi bột giặt nhỏ xíu và chai nước có thể tích nhỏ. Tại Nigeria, UAC Foods bán thịt xúc xích giá rẻ thông qua các ô cửa xe hơn là tại các quầy hàng trong siêu thị.
Nhưng đối với những ai quan tâm đến tăng trưởng kinh tế và tốc độ “bành trướng” của nền dân chủ ở châu Phi, họ sẽ ít kiên nhẫn hơn. Bởi lẽ, tầng lớp trung lưu không chỉ nhỏ mà còn rất dễ bị tổn thương; thậm chí chỉ một biến động nhẹ về kinh tế có thể cũng đủ để đưa các hộ gia đình quay trở về dưới ngưỡng nghèo. Điều này sẽ làm chậm lại tốc độ cải cách kinh tế và cái ngày tầng lớp trung lưu châu Phi tỏa sáng sẽ càng xa vời.
Đàm Hoa
Nguồn The Economist