Thứ Tư | 16/05/2012 13:19

Sự thật đằng sau bùng nổ đầu tư của Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc có thể khó khăn hơn nhiều so với số liệu GDP được đưa ra từ trước đến nay.
Năm 2007, ông Lý Khắc Cường, người được cho là sẽ lên kế nhiệm Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào tháng 3 năm sau, từng nói với Đại sứ Mỹ rằng, những con số về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có "bàn tay con người can thiệp". Ông Lý cũng nhận xét rằng những con số đó chỉ nên dùng để tham khảo.

Khi đánh giá về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, ông Lý cho biết ông tập trung chủ yếu vào 3 dữ liệu - tiêu thụ điện, sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt và hoạt động giải ngân các khoản vay của ngân hàng.

Nếu những đánh giá của ông Lý là chính xác, thì nền kinh tế Trung Quốc còn khó khăn hơn nhiều so với những gì số liệu GDP được đưa ra từ trước đến nay.

Trong 3 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm từ 8,9% trong quý IV/2011 xuống còn 8,1%. Mặc dù vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái, song khó có thể coi đó là màn "hạ cánh cứng" của nền kinh tế đang thăng hoa của Trung Quốc.

Những dữ liệu kinh tế ít được chú ý vừa công bố trong những ngày gần đây, bao gồm những dữ liệu về điện, hàng hóa đường sắt và các khoản vay ngân hàng, đều cho thấy một sự suy giảm mạnh trong hoạt động kinh tế Trung Quốc.

Tiêu thụ điện trong tháng 4 của Trung Quốc hiện vẫn chưa được công bố song sản lượng điện trong tháng này chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, quá thấp so với mức tăng 7% và 11,7% trong tháng 3 và 4/2011.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trong những tháng đầu năm cũng tăng rất thấp ở mức một con số hoặc chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng trong năm ngoái. Các khoản vay mới tại ngân hàng cũng tăng ít hơn so với dự kiến.

Ông Chovanec nhận định: "Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã chứng kiến một sự bùng nổ về đầu tư, mà nhiều chuyên gia nhận định là không bền vững. Giờ chúng ta đã biết sự thiếu bền vững đó là như thế nào. Không gì có thể bù đắp được những hậu quả mà sự bùng nổ đầu tư đó mang lại và điều đó đồng nghĩa với việc trong tương lai, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ còn thấp hơn nữa."

Nguyên nhân chủ yếu của sự suy giảm hiện tại là do sự suy yếu của thị trường bất động sản. Đầu tư vào bất động sản, chiếm khoảng 13% tổng GDP của Trung Quốc, giảm với tốc độ chóng mặt chỉ trong vài tháng qua. Hoạt động xây dựng trong tháng 4 giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán hàng các loại xe ủi giảm tới 51% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tình hình ảm đạm của ngành xây dựng Trung Quốc.

Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 4 của Trung Quốc cũng yếu hơn nhiều so với dự đoán. Nhập khẩu chỉ tăng 0,3% so với một năm trước, quá thấp so với dự báo 11% của các nhà phân tích.

"Nhập khẩu hàng hóa và máy móc công nghiệp cũng giảm đáng kể, cho thấy một cuộc suy thoái đáng lo ngại trong đầu tư công nghiệp Trung Quốc," ông Stephen Green, nhà kinh tế thuộc Standard Chartered nhận xét. Ông Green cho rằng trong trường hợp Bắc Kinh không nới lỏng chính sách hơn nữa, chắc chắn nền kinh tế Trung Quốc còn tăng chậm hơn trong thời gian còn lại của Quý II năm nay.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Chính phủ Trung Quốc đã quá chậm trễ trong việc kích thích nền kinh tế đang có xu hướng chậm lại. Bên cạnh đó, những biến động chính trị trong thời gian qua cũng là những lý do khiến Bắc Kinh không thể ra tay vực dậy nền kinh tế sớm hơn.

Nguồn F/DVT


Sự kiện