Sự nguy hiểm của đảo chính nửa vời ở Thái Lan
Cuộc họp hiếm hoi giữa những đối thủ “không đội trời chung” này diễn ra trong bối cảnh Thái Lan đang trải qua thời kỳ khủng hoảng chính trị tồi tệ và có nguy cơ lâm vào một cuộc nội chiến kể từ khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm.
Chỉ vài tháng trước khi nghỉ hưu, tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh quân đội Thái Lan, một người thân tín của Hoàng gia Thái Lan và là một nhân vật thượng lưu quyền lực ở thủ đô Bangkok đã nhận lãnh trách nhiệm chấm dứt tình trạng bất ổn khiến nền kinh tế Thái Lan lao dốc suốt thời gian qua.
Các chuyên gia phân tích cho rằng tướng Prayuth đang áp dụng một chiến lược đầy rủi ro nhằm buộc các phe phái chính trị ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng. Khi cuộc gặp đầu tiên không đưa ra được bất cứ kết quả nào sau 3 giờ đàm phán, ông Prayuth đã giao cho họ “bài tập về nhà” và yêu cầu họ tiếp tục họp vào ngày hôm sau.
Một trong những hành động đầu tiên của tướng Prayuth sau khi thiết quân luật là ngăn chặn kế hoạch bắt giữ lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban, người đang bị cảnh sát nước này truy nã với tội danh phản bội.
Ông Prayuth đã tuyên bố với người đứng đầu lực lượng cảnh sát Thái Lan: “Dừng lại, đủ rồi đấy. Truy tố là được rồi, nếu làm quá, việc này sẽ không bao giờ chấm dứt.”
Các chuyên gia phân tích cho rằng hành động áp dụng điều luật có từ 100 năm nay cho phép quân đội Thái Lan kiểm soát được quyền lực mà không phải thực hiện một cuộc đảo chính đã giúp cho quân đội không bị cộng đồng quốc tế lên án và bị các quốc gia như Mỹ cấm vận.
Ông Anthony Davis, một chuyên gia về Thái Lan tại công ty tư vấn an ninh IHS Jane’s nhận định: “Những gì đang diễn ra ở Thái Lan là một ‘cuộc đảo chính nửa vời’. Nó giúp ngăn chặn các cuộc xung đột trong ngắn hạn, tuy nhiên quả bóng chính trị lại bị đá vào chân quân đội.”
Ông Davis cho rằng đây là tình thế mà tướng Prayuth không hề mong muốn một chút nào. Ông nói: “Tôi cho rằng quân đội thiết quân luật là để phòng ngừa bạo lực leo thang trong những ngày tới. Trước giờ Prayuth chỉ là một người lính chuyên nghiệp. Thế nhưng giờ đây ông ta đang phải chơi trò chơi chính trị mà ông không thành thạo trong điều kiện vô cùng khó khăn.”
Vấn đề mà tướng Prayuth phải giải quyết hiện nay là nên tổ chức bầu cử trước khi cải cách chính trị hay ngược lại, nên bổ nhiệm thủ tướng tạm quyền hay giữ nguyên như hiện nay. Ngoài ra, ông còn phải đối mặt với câu hỏi rằng các cuộc biểu tình trên đường phố có chấm dứt hay không, và Thượng viện Thái Lan có nên đảm nhận trọng trách giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay hay không.
Một phương án khả dĩ cho Thái Lan hiện nay là tướng Prayuth sẽ đứng ra dàn xếp để tổ chức bầu cử Quốc hội trong tình trạng thiết quân luật với sự tham gia của tất cả các đảng phái, sau đó sẽ tổ chức cải cách thể chế và thay đổi Hiến pháp.
Một phương án khác là quân đội sẽ cho phép Thượng viện Thái Lan bổ nhiệm một thủ tướng tạm quyền mới và loại bỏ nội các lâm thời hiện nay. Tuy nhiên, phương án này có nguy cơ sẽ khiến phong trào Áo Đỏ tức giận và làm bùng phát bạo lực trên toàn quốc.
Với tình thế hiện nay, tướng Prayuth sẽ phải cầm “quả bóng chính trị” trong chân mình một cách khéo léo nhất có thể để tránh cho đất nước một thảm họa thực sự. Giáo sư Thitinan Pongsudhirak ở Bangkok mô tả tình hình hiện nay là “rất mong manh” và khá nguy hiểm cho quân đội, bởi nếu quân đội thể hiện sự thiên vị với bất cứ bên nào, bạo lực có thể nhanh chóng bùng phát trở lại và quân đội sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Nguồn Khám Phá