Cách tiếp cận Zero COVID với các biện pháp phong tỏa và cách ly nghiêm ngặt của Trung Quốc đã dẫn tới cái giá về kinh tế và xã hội quá đắt.

 
Nguyên Hồ Thứ Sáu | 12/08/2022 14:36

Sự kỳ thị khiến bệnh nhân COVID-19 mất việc, mất nhà ở Trung Quốc

Sự kỳ thị này đặc biệt khắc nghiệt với những người thuộc nhóm yếu thế ở Trung Quốc, như lao động nhập cư vì dễ bị nhiễm hơn.

Đối với nhiều người, COVID là điều bất tiện không ai mong muốn khi cuộc sống quanh họ dần trở lại bình thường. Nhưng ở Trung Quốc, nơi chính sách Zero-COVID được triển khai nghiêm ngặt, những người không may dương tính với loại virus này đã bị cô lập và chê bai chỉ vì bị nhiễm. 

Những người từng mắc bệnh phải xét nghiệm riêng nếu có đợt lấy mẫu diện rộng, tại các thành phố lớn họ còn phải xét nghiệm ít nhất 3 ngày một lần. Lịch sử dương tính với virus được lưu trữ trong các ứng dụng sức khỏe, cho phép các nhà tuyển dụng dễ dàng lần ra người bệnh, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của họ và, thậm chí là, mất đi nhà cửa, cuộc sống thường nhật chỉ vì bị “kỳ thị”.

Nhiễm bệnh là "tội"?

Một cựu công nhân tại một cơ sở cách ly do chính phủ điều hành ở Thượng Hải đã ngủ trên đường phố trong những ngày tháng 6 vì không thể tìm được việc làm hoặc nhà ở sau khi bị nhiễm bệnh. Các nhà tuyển dụng ở Thượng Hải và các thành phố lân cận không nhận anh ta, đến các bên môi giới việc làm còn yêu cầu ứng viên “không được mắc COVID”, người này chia sẻ.

Sự kỳ thị gắn liền với COVID rất phổ biến ở rất nhiều nơi thời kỳ dịch mới bùng phát, giờ đây, bước sang năm thứ ba, các bác sĩ đã biết được ai có nguy cơ nhiễm và bệnh lây lan như thế nào. Hầu hết mọi người trên toàn thế giới đều có người thân, bạn bè và đồng nghiệp bị nhiễm bệnh, với phần lớn trong số đó đều bình phục hoàn toàn. 

Nhưng không phải ở Trung Quốc, nơi hiện chỉ có khoảng 6 trong số 10.000 người bị dương tính và 5.226 ca tử vong trong suốt đại dịch, theo thống kê chính thức, xác suất tử vong có thể cao hơn.  

Tử vong do COVID ở Trung Quốc thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Tử vong do COVID ở Trung Quốc thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Ga xe lửa Hồng Kiều của Thượng Hải, một trong những trung tâm trung chuyển chính của thành phố, đã trở thành nơi tụ tập của những người vô gia cư sau khi bị mắc COVID hoặc một vài lý do khác. Theo truyền thông Trung Quốc, một phụ nữ tên A Fen hiện đang sống “vất vưởng” trong nhà ga vì không thể kiếm được việc làm do nhiễm bệnh.

Vết sẹo sâu

“Cách tiếp cận Zero COVID với các biện pháp phong tỏa và cách ly nghiêm ngặt của Trung Quốc đã dẫn tới cái giá về kinh tế và xã hội quá đắt”, nhà nghiên cứu Chen Yaya tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nhận định. “Nếu điều này không thay đổi, sự kỳ thị sẽ còn tiếp diễn”.

Trong khi Trung Quốc hiện giảm thiểu một số các biện pháp quá gắt gao trước đây như đóng cửa các cơ sở kinh doanh có ca nhiễm, thì điều này đã đem đến cho các công nhân những “vết sẹo sâu” rồi. Một số công nhân bị dương tính trước đây đã gặp rất nhiều khó khăn để có được việc làm mới vì các giám sát viên lo sợ về các lệnh cấm kể trên, mặc dù thực tế là những người này có thể đã miễn dịch tốt hơn sau khi mắc bệnh.

Sự thiếu nhận thức về cách thức hoạt động của loại virus này phổ biến trong toàn xã hội Trung Quốc vì số ca nhiễm thấp.

Zero COVID sẽ còn kéo dài trong nhiều năm vì với ông Tập, chính sách này mang lại hiệu quả rõ rệt.
Zero COVID sẽ còn kéo dài trong nhiều năm vì với ông Tập, chính sách này mang lại hiệu quả rõ rệt. Hình ảnh Thượng Hải vào thời kỳ đỉnh điểm của dịch cuối tháng 3. Ảnh: Reuters.

Sau khi hoàn cảnh của bà A Fen được chú ý rộng rãi, các nhà chức trách bao gồm chính phủ Thượng Hải và Bộ Nguồn nhân lực và Phúc lợi xã hội Trung Quốc cho rằng người tuyển dụng không nên phân biệt đối xử với những người mắc COVID, nhấn mạnh rằng như vậy là vi phạm luật lao động. Theo tờ The Paper, bà A Fen sau đó được công ty SF Express tuyển dụng.

Thượng Hải cũng đã cập nhật hệ thống mã sức khỏe của thành phố, giảm thời gian lưu trữ lịch sử xét nghiệm COVID-19 của mỗi người dân từ 2 tháng xuống 2 tuần. Hệ thống sẽ hiển thị ít lần xét nghiệm có kết quả dương tính hơn.

Sự kỳ thị này đặc biệt khắc nghiệt với những người thuộc nhóm yếu thế ở Trung Quốc, như lao động nhập cư vì dễ bị nhiễm hơn. Theo bà Chen, việc bị từ chối tuyển dụng do từng nhiễm virus ảnh hưởng quá lớn với nhóm người thu nhập thấp.

Theo ông Aidan Chau, nhà nghiên cứu của nhóm hoạt động vì quyền của người lao động China Labour Bulletin, sự phân biệt đối xử trong công việc với người từng mắc COVID chủ yếu tập trung ở Thượng Hải, nơi đã trải qua đợt bùng phát dịch lớn nhất cả nước. Dù bị phong tỏa để phòng dịch, thành phố này phát hiện hơn 613.000 ca nhiễm. Ông cho biết nhiều công ty trở nên thái quá trong việc giảm thiểu rủi ro COVID, đặc biệt là tại Thượng Hải – nơi doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động nếu phát hiện ca nhiễm.

Với một số người, sự kỳ thị cũng chưa đáng sợ bằng định kiến kéo dài. Bà Carrie Liu, nhân viên 34 tuổi của một công ty Internet ở Thượng Hải, được phát hiện dương tính tại một khách sạn cách ly hồi tháng 4 và được đưa tới một bệnh viện dã chiến trong 3 ngày. Giờ đây, mỗi khi bà Liu cảm thấy không khỏe một chút, những đồng nghiệp biết bà từng nhiễm bệnh lập tức hỏi rằng liệu có phải bà đang mắc COVID kéo dài không.

Bà Liu cũng cho biết mỗi khi đi xét nghiệm hàng loạt, mọi người sẽ lùi lại phía sau khi biết rằng bà từng nhiễm virus. Hiện bà Liu đang cân nhắc tìm một công việc mới nhưng lại lo rằng lịch sử y tế của mình có thể là một trở ngại.

Có thể bạn quan tâm: 

Cuộc tranh giành khí đốt căng thẳng giữa châu Âu và châu Á

Nguồn Bloomberg