Nhật Bản đã từ bỏ cuộc đua xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực Đông Nam Á (SEA)? Ảnh: Nikkei Asia.
Sự hiện diện kinh tế của Nhật ở Đông Nam Á không suy giảm
Nhật có từ bỏ cuộc đua xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực Đông Nam Á (SEA) hay không?. Đó là câu hỏi được đặt ra bởi nhiều nhà quan sát kể từ khi có thông tin cho rằng các doanh nghiệp Nhật đã rút khỏi cuộc đấu thầu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc giữa Kuala Lumpur và Singapore, một dự án nổi tiếng trị giá hơn 15 tỉ USD.
Tuyến đường sắt này từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp Nhật. 9 năm trước, Bộ trưởng Giao thông Nhật đã trực tiếp giới thiệu hệ thống shinkansen của đất nước này với các quan chức Malaysia trong chuyến thăm Kuala Lumpur.
Theo thông tin từ báo chí Malaysia, có 7 tập đoàn đã tham gia đấu thầu dự án, trong đó có một số tập đoàn có liên kết với các công ty nhà nước Trung Quốc. Nếu một trong những công ty liên quan Trung Quốc đấu thầu thành công, đây sẽ là minh chứng cho thấy sự hiện diện ngày càng gia tăng của các công ty nhà nước Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng đường sắt ở SEA.
Trong số các dự án, tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào là một trong những dự án nổi bật, kết nối với Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với Viêng Chăn của Lào. Tuyến đường sắt dài 1.000 km này đã đóng góp đáng kể cho hoạt động thương mại và du lịch giữa 2 quốc gia.
2023 là năm mà tuyến tàu cao tốc đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á dài 140 km giữa Jakarta và Bandung, Indonesia được khai trương. Với sự hỗ trợ từ chính phủ, các công ty Nhật đã cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ Trung Quốc để giành quyền xây dựng dự án này, nhưng cuối cùng không thể sánh bằng với giá chào thầu hấp dẫn mà chính quyền Bắc Kinh đưa ra.
Vấn đề tài chính dường như đóng một vai trò trong quyết định rút khỏi cuộc đấu thầu ở Malaysia của các công ty Nhật. Tuy bỏ qua dự án này, Nhật vẫn đóng vai trò dẫn đầu trong phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực Đông Nam Á, bao gồm các lĩnh vực như phát triển cảng biển, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm và nguồn năng lượng.
Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng năng lượng, thị phần của các công ty Nhật tăng lên ở Indonesia trong những năm gần đây, song song với thị phần của các công ty Trung Quốc.
Đối với các nhà hoạch định chính sách Indonesia, cả công ty Nhật và Trung Quốc đều có thể cung cấp công nghệ và vốn có giá trị để giúp cung cấp năng lượng tốt hơn cho các vùng xa xôi trên quần đảo rộng lớn này.
Hơn nữa, trong khi động lực của thị trường cơ sở hạ tầng ở SEA có thể đang thay đổi, rõ ràng Nhật vẫn là một thế lực kinh tế hùng mạnh trong khu vực này. Điều này có thể được thấy rõ nhất trong lĩnh vực ô tô, nơi các thương hiệu Nhật vẫn chiếm 80% doanh số bán xe mới mặc dù sự quan tâm đến xe điện của Trung Quốc ngày càng tăng.
Mỗi năm có hàng ngàn xe nhập khẩu mới hoặc xe đã qua sử dụng được nhập khẩu vào khu vực này, cho thấy nhu cầu không ngừng về ô tô Nhật.
Sự thành công của các thương hiệu như Toyota và Honda trong khu vực có thể đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, mạng lưới đại lý và trung tâm dịch vụ rộng khắp cũng như giá trị bán lại cao của xe.
Những lợi thế này đã được duy trì và phát triển trong nhiều thập kỷ, trong khi các thương hiệu ô tô phương Tây lâu đời hơn đã tụt lại phía sau trong khu vực SEA. Mặc dù các thương hiệu Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, nhưng giới chuyên gia cho rằng khó có thể vượt qua các thương hiệu Nhật trong tương lai gần.
Trong các lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng trên khắp Đông Nam Á, động lực tương tự cũng đang diễn ra. Chẳng hạn, Aeon là một nhà bán lẻ lớn ở Malaysia và đang đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại Việt Nam, với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường trung lưu.
Aeon đang đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Mặc dù không thể phủ nhận rằng nền kinh tế khu vực đã hưởng lợi từ sự gia tăng về quy mô và quyền lực kinh tế của Trung Quốc, nhưng không đồng nghĩa với việc sự hiện diện của các doanh nghiệp Nhật dần mờ nhạt.
Các công ty Nhật có thể bỏ qua một số dự án cơ sở hạ tầng phức tạp và đầy tham vọng, đồng thời gặp khó khăn về mặt tài chính trong khu vực này, nhưng điều này không ngăn cản họ khai thác các ngõ có tiềm năng lợi nhuận.
Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Đông Nam Á, tất cả các bên liên quan có thể tìm thấy cơ hội để phát triển và khai thác các tiềm năng mới. SEA như một miếng bánh đủ lớn cho các doanh nghiệp đến từ Nhật, Trung Quốc và chính khu vực này để cạnh tranh thị phần.
Có thể bạn quan tâm:
Chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã cải tổ nền kinh tế Indonesia như thế nào?
Nguồn Nikkei Asia