Thứ Hai | 07/01/2013 10:20

Sự bành trướng của các ngân hàng ngầm năm 2012

Theo báo cáo từ Ủy ban ổn định tài chính quốc tế (FSB), ngành công nghiệp ngân hàng ngầm đã tăng trưởng lên 67 nghìn tỷ USD trong năm 2011.
Theo định nghĩa từ FSB, "hệ thống các ngân hàng ngầm" được mô tả là hệ thống trung gian tín dụng, bao gồm những thực thể và hoạt động bên ngoài hệ thống ngân hàng bình thường. Mặc dù hệ thống tín dụng thông qua các kênh ngoài ngân hàng này đã cho thấy nhiều ưu điểm, song nhìn chung nó có thể trở thành cội nguồn của rủi ro hệ thống, đặc biệt khi được tổ chức hoạt động với đầy đủ các chức năng của 1 ngân hàng và khi mối liên kết của nó với hệ thống ngân hàng bình thường đủ mạnh.

FSB cho biết quy mô của hệ thống ngân hàng ngầm, bao gồm các hoạt động của các quỹ tiền tệ thị trường, các công ty bảo hiểm đặc biệt và các phương tiện đầu tư bên ngoài danh mục, có thể khuếch đại phản ứng thị trường khi thanh khoản thị trường ở mức khan hiếm.

Giá trị tài sản của các ngân hàng ngầm trong năm 2011 theo thống kê của FSB.
Giá trị tài sản của các ngân hàng ngầm trong năm 2011 theo thống kê của FSB.

Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 11/2012, FSB cho biết trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2011, hệ thống ngân hàng ngầm đã tăng khoảng 41 nghìn tỷ USD, trong đó Mỹ là quốc gia sở hữu hệ thống ngân hàng ngầm lớn nhất, với tổng tài sản lên đến 23 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 35% thị phần thế giới. Tuy nhiên, thị phần của các ngân hàng ngầm tại Mỹ đã giảm từ 44% trong năm 2005 xuống 35% trong năm 2011. Thay vào đó, các ngân hàng này có xu hướng chuyển hoạt động sang Anh và phần còn lại của châu Âu.

Tính đến hết năm 2011, ngành công nghiệp ngân hàng ngầm đã tăng trưởng lên đến 67 nghìn tỷ USD, tăng 6 nghìn tỷ USD so với các dự báo trước đó, đồng thời cao hơn tổng GDP của các nước thuộc nhóm G20. Điều này càng là dấu hiệu cho thấy các nhà quản lý toàn cầu cần phải giám sát hơn nữa các giao dịch tài chính, FSB cho biết.

Sau sự sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008, các nhà quản lý tài chính đã xiết chặt giám sát các ngân hàng nhằm đảm bảo rủi ro như vậy sẽ không lặp lại. Tuy nhiên, việc giám sát quá chặt như vậy sẽ đẩy những người đi vay tìm kiếm đến các ngân hàng ngầm, các chuyên gia cảnh báo.

Chính vì vậy, FSB cho rằng hệ thống ngân hàng ngầm cần được giám sát thích hợp và trong khuôn khổ pháp lý để giảm thiểu các rủi ro. FSB cũng kiến nghị các nhà quản lý nên có điều luật giám sát chặt chẽ hơn đối với các thỏa thuận mua lại hoặc cho vay chứng khoán, đồng thời đề xuất tiêu chuẩn tối thiểu để tính toán thiệt hại đối với các loại tài sản thế chấp khác nhau được sử dụng trong các giao dịch.

Nguồn Financialstabilityboard/Khampha


Sự kiện