Starbucks trở thành nạn nhân mới của truyền thông quốc gia Trung Quốc
CCTV cho rằng biên lợi nhuận của Starbucks ở Trung Quốc vượt trội, đạt mức cao 32% so với 21,1% ở Mỹ, 1,9% ở châu Âu và khu vực Trung Đông, châu Phi.
Một đại diện của Starbucks lên tiếng rằng công ty hiểu những nỗi lo của truyền thông Trung Quốc. Tuy nhiên những con số mà truyền thông quốc gia trích dẫn không đại diện cho các hoạt động của Starbucks tại nước này bởi vì số liệu bao gồm các kết quả tài chính từ các nước khác thuộc châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc.
Starbucks không bóc tách từng thông tin tài chính theo từng nước. Bên cạnh đó, giá của Starbucks khác ở từng thị trường, phụ thuộc vào chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, thuê lao động, mua nguyên vật liệu, hàng hóa và phí trả cho bất động sản.
Báo cáo của CCTV bị nhận chỉ trích ngược từ truyền thông và người dân trong nước, một số người nói rằng báo cáo này không tính đến nhiều lý do khác nhau giải thích cho cho giá thành sản phẩm của Starbucks tại đây.
Một blogger viết trên trang Sina Weibo rằng "người tiêu dùng Trung Quốc mua những ngôi nhà đắt nhất thế giới, lái những chiếc xe đắt nhất thế giới được đổ đầy bình xăng với giá tăng nhanh nhất, ăn thực phẩm không an toàn nhất, chịu đựng hệ thống y tế tồi tệ, phải sử dụng mạng lưới Internet chậm, đáng ghét nhưng lại đắt.... và các bạn đã bỏ qua tất cả những điều này và chỉ nói với tôi rằng không được uống cốc cà phê đắt nhất thế giới mà tôi sẽ không uống đến 5 lần một năm".
Truyền hình quốc gia Trung Quốc thường soi xét gắt gao những hoạt động của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc. Vào tháng 3, CCTV đã cáo buộc Apple bỏ qua các giai đoạn bảo hành và áp dụng các chính sách chăm sóc khách hàng cho người tiêu dùng Trung Quốc khác với các hoạt động ở những nước khác.
Hãng xe Volkswagen của Đức cũng bị lên án vì đã bán xe có hệ thống hộp số dưới tiêu chuẩn, gây ra các lỗi khi tăng tốc và những tai nạn cho người tiêu dùng, nhưng số người bị tai nạn thì không xác định được.
Nguồn Dân Việt