Thứ Năm | 18/07/2013 15:25

Stan Fischer - Dấu gạch nối của 2 trường phái kinh tế

Thống đốc ngân hàng trung ương Israel Stan Fischer là người đặt nền móng cho hệ tư tưởng kinh tế học thống trị nhiều nền kinh tế.
Stan Fischer là một giáo sư công tác tại Học viện công nghệ Massachusetts MIT. Ông cũng là cố vấn cho một đội ngũ sinh viên hùng hậu gồm nhiều "ngôi sao sáng" đang ngồi ở các vị trí cấp cao và hoạch định chính sách của các nền kinh tế lớn.

Tháng 8 hàng năm, các thống đốc ngân hàng trung ương (NHTW) trên khắp thế giới tụ họp tại vườn quốc gia Grand Teton ở Wyoming và thảo luận các chuyên đề kinh tế vĩ mô. Cách đây một vài năm, tại một trong những bữa tiệc tối, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke nhìn vào một vài đồng nghiệp xuất sắc trong ngành tài chính và đưa ra câu hỏi: "Các ông có biết tất cả mọi người trên bàn tiệc này đều có 1 điểm chung?". "Tất cả đều có người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp là Stan Fischer", Bernanke trầm ngâm.

Là một giáo sư công tác tại Học viện công nghệ Massachusetts MIT, ông là người đặt nền móng cho hệ tư tưởng kinh tế học thống trị nhiều nền kinh tế. Ông cũng là cố vấn cho một đội ngũ sinh viên hùng hậu gồm nhiều "ngôi sao sáng" đang ngồi ở các vị trí cấp cao và hoạch định chính sách của các nền kinh tế lớn. Có thể kể ra những cái tên nổi bật như Chủ tịch Fed Ben Bernanke, Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB) Mario Draghi và cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Nhà trắng Greg Mankiw.

Với vị thế là quan chức có vị trí quan trọng số 2 ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông đã giúp đỡ các nền kinh tế châu Á vượt qua khủng hoảng năm 1998. Với cương vị là Chủ tịch Citigroup, ông điều hành tất cả các công việc liên quan đến các khách hàng đến từ khu vực công. Khi đó, Citigroup là ngân hàng lớn nhất thế giới.

Và, năm 2005, Phó Thủ tướng Israel Ariel Sharon cùng với Bộ trưởng Tài chính Benjamin Netanyahu đã chọn ông làm người dẫn dắt NHTW Israel - quốc gia mà trước đó ông mới chỉ đặt chân đến 1 lần. Tuy nhiên, những thành tựu mà Fischer đem lại là quá đủ để xua tan mọi nghi ngờ. Không có quốc gia phương Tây nào ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009 tốt hơn Israel. Nền kinh tế Israel chỉ suy giảm đúng 1 quý (giảm 0,2% trong quý II/2009). Trong khi đó, kinh tế Mỹ suy giảm tới 4,6% trong cùng kỳ. Tình hình ở rất nhiều quốc gia, trong đó có cả Anh và Đức, thậm chí còn tồi tệ hơn.

Sẽ không phải là phóng đại khi cho rằng người Israel tôn sùng Stan Fischer. Sau khi ông thông báo về quyết định từ chức, phóng viên Meirav Arlosoroff của nhật báo Haaretz miêu tả Fischer là "vị lãnh đạo mà công chúng Israel hoàn toàn tin tưởng". Cả Bộ trưởng Tài chính Netanyahu và vị lãnh đạo đối lập Shelly Yachimovich đều hết sức tự hào về ông.

Ở tuổi 69, Fischer dường như vẫn đang có sức khỏe tốt. Vào tháng 1/2014, người học trò Bernanke của ông sẽ rời khỏi chiếc ghế Thống đốc Fed. Liệu Fischer có chuyển từ Jerusalem về Washington hay không? Điều này nghe có vẻ điên rồ nhưng cũng không phải không có khả năng xảy ra.

Tháng 11 năm ngoái, Thống đốc NHTW Canada Mark Carney đã chiến thắng trong cuộc đua và trở thành người lãnh đạo của NHTW Anh. Trong thời kỳ hậu khủng hoảng hiện nay, nước Mỹ cần tới 1 Thống đốc NHTW hội tủ đầy đủ phẩm chất của một nhà kinh tế học đầy sáng suốt, một nhà quản lý, nhà ngoại giao và cả một chính trị gia. Fischer là ứng viên sáng giá cho vị trí này.

Ban đầu, Fischer có ý định theo học ngành hóa học. Tuy nhiên, những năm tháng cuối cùng ở Zimbabwe giúp ông phát hiện ra kinh tế mới là niềm đam mê. Anh trai của 1 người bạn của ông vừa trở về từ LSE và dạy cho ông một số bài học về kinh tế. Fischer thực sự ấn tượng với Paul Samuelson - vị giáo sư nổi tiếng đã từng đạt giải Nobel của MIT.

Sau đó Fischer tới MIT để học tiến sĩ, lấy bằng 3 năm sau đó và làm công việc trợ giảng tại Đại học Chicago. Khi Fischer tới Hyde Park năm 1969, ông chứng kiến cuộc tranh cãi nảy lửa giữa 1 bên là các trường ở Chicago cùng các trường ở quanh khu vực Great Lakes (Carnegie Mellon hay Đại học Minnesota) với 1 bên là các trường hùng mạnh ở ven biển như Đại học California, Harvard, và đặc biệt là MIT.

Mâu thuẫn bắt đầu khi Robert Lucas - một trong những đồng nghiệp của Fischer ở trường Chicago - lên tiếng chỉ trích học thuyết Keynes. Theo Lucas, trường phái kinh tế học Keynes đã phân chia kinh tế học thành 2 bộ phận: kinh tế vi mô và kinh tế học vĩ mô.

r

Trong khi kinh tế học vi mô thừa nhận người tiêu dùng và các doanh nghiệp thực hiện các lựa chọn kinh tế với mục đích tối ưu hóa lợi ích của họ, kinh tế học vĩ mô cho rằng sự biến động của nền kinh tế chính là hệ quả của những lựa chọn từ các chủ thể trên. Khi người tiêu dùng và doanh nghiệp hoảng loạn ngừng chi tiêu, suy thoái kinh tế xảy ra. Một khi họ bình tâm lại, nền kinh tế sẽ phục hồi.

Tuy nhiên, Lucas cho rằng điều này là vô nghĩa. Tại sao lựa chọn dễ biến đổi của các cá nhân lại có thể tạo nên sự thay đổi đối với toàn bộ nền kinh tế? Các học thuyết theo trường phái Keynes đã gặp nhiều khó khăn khi không giải thích được tình trạng nền kinh tế tăng trưởng chậm nhưng lạm phát lại ở mức cao của thời kỳ những năm 1970.

Khi đó, Fischer là một trong số ít nhân vật có thái độ chân thành với cả 2 bên. Ông đang ở Chicago khi Lucas đưa ra những lời chỉ trích nhưng vẫn có Samuelson trong hội đồng phản biện luận văn. Năm 1972, ông trở thành đồng nghiệp của Samuelson. Các sinh viên nhớ về Fischer với vai trò là nhà ngoại giao khá xuất sắc trong cuộc chiến này.

Ngày nay, nỗ lực gắn kết cả 2 cách tiếp cận của Fischer được biết đến với tên gọi "kinh tế học Keynes mới". Đây là cách tiếp cận được sử dụng rộng rãi ở hầu khắp các viện nghiên cứu kinh tế trên thế giới. Học thuyết này cũng gắn liền với những tên tuổi nổi tiếng như Mankiw, Bernanke, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard...

Fischer đã viết nên một trong số những nghiên cứu đầu tiên bao hàm cả yếu tố giá cả cứng nhắc và kỳ vọng hợp lý. Theo học thuyết này, vì thị trường có tình trạng cạnh tranh không hoàn hảo, nên dù thị trường có biến động thì chưa chắc các doanh nghiệp đã thay đổi giá bán của mình. Lý do là chi phí để điều chỉnh thông báo về giá bán (giống như chi phí in lại thực đơn) có thể cao hơn lợi ích mà doanh nghiệp thu được do điều chỉnh giá.

Cuối những năm 1970, ông đã giới thiệu cuốn "A Monetary History of the United States" của 2 tác giả Friedman và Anna Schwartz cho nghiên cứu sinh đang được ông hướng dẫn làm luận văn tiến sĩ. Cuốn sách này cho rằng đáng lẽ Fed đã có thể giảm bớt sức tàn phá của Đại khủng hoảng nếu như thực hiện chính sách tiền tệ quyết liệt hơn.

Và, người nghiên cứu sinh ấy chính là Ben Bernanke. Bernanke cho biết nhờ Fischer mà ông nhận ra rằng chính sách tiền tệ đóng vai trò rất quan trọng. Và, vị Chủ tịch của Fed đã bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế lớn nhất thế giới để có thể tránh được kịch bản giống như đại suy thoái. Ông học được điều ấy từ Friedman và Schwartz, thông qua Fischer.

Nguồn Thời báo ngân hàng


Sự kiện