Ảnh: Nikkei Asia.

 
Hân Nguyễn Thứ Hai | 31/10/2022 19:00

Sri Lanka không phải là "quả bom" nợ duy nhất tại Châu Á

Tình trạng của Sri Lanka và các quốc gia có thu nhập trung bình khác không thỏa điều kiện cho các cơ chế quốc tế về xóa nợ.

Cứ sau 4 giờ chiều hàng ngày, cư dân trong ngôi làng Chandana Pokuna yên tĩnh lại nghe tiếng xe máy tấp nập trên con đường cát cạnh nhà. Đây cũng là thời điểm họ đóng cửa, tắt đèn, dặn con cái ở yên trong nhà và không cho bất cứ ai khác vào.

Xe máy là phương tiện được những người đòi nợ địa phương lựa chọn, những người đi qua những nơi như Chandana Pokuna, vùng nông nghiệp trồng lúa phía bắc Trung Bộ của Sri Lanka. 

Thu nhập từ nông nghiệp trồng lúa của Chandana Pokuna tiếp tục sụt giảm trong năm nay, sau khi chính phủ Sri Lanka đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn việc giảm dự trữ ngoại tệ. Trước tình trạng thiếu hụt USD vào tháng 4/2021, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa khi đó đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học. Biết trước mùa màng sẽ thất bát, cả làng phải vay để kiếm sống rồi lại tiếp tục vay để trả lãi. Trong khi đó, đồng rupee mất giá đã làm bùng phát lạm phát - ở mức 60%, cao nhất ở châu Á, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Tài xế xếp hàng mua nhiên liệu ở Sri Lanka.
Tài xế xếp hàng mua nhiên liệu ở Sri Lanka.

Đây cũng là cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên, nhưng có lẽ không phải là cuối cùng ở khu vực châu Á, nơi nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp đang đứng trên bờ vực sụp đổ, do sự kết hợp của nợ thời COVID-19, kinh tế nguội lạnh, chính sách sai lệch... Đồng USD mạnh nhất trong lịch sử cũng làm nặng gánh thêm các khoản nợ thanh toán bằng ngoại tệ.

Từ nước này đến nước khác, dự trữ ngoại hối đang sụt giảm, tiền tệ chao đảo và các chính phủ cả chủ nợ của họ đang hoảng loạn. IMF ước tính rằng ít nhất 1/3 các nền kinh tế đang phát triển và khoảng 60 quốc gia kém phát triển nhất ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ đang phải vật lộn với tình trạng "túng quẫn" giống như Sri Lanka. Lào, ở Đông Nam Á và Pakistan, ở Nam Á, là một trong những quốc gia châu Á đang trên bờ vực.

Nội tệ của các nước Châu Á sụt giảm.
Nội tệ của các nước Châu Á sụt giảm.

Hầu hết các quốc gia trong khu vực đang trải qua giai đoạn dẫn đến vỡ nợ của Sri Lanka. Nước này đã vay gần 1,4 tỉ USD trong năm 2020 và 2021 để khôi phục ngành du lịch hậu COVID-19. Các khoản vay đến từ các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc và Ấn Độ, mặc dù hai quốc gia này đã ngừng cho vay vốn vì bị các cơ quan xếp hạng là không đáng tin cậy.

IMF và Ngân hàng Thế giới ban đầu đã khuyến khích các nước vay để giải quyết kinh tế hậu đại dịch. Tuy nhiên, tình trạng của Sri Lanka và các quốc gia có thu nhập trung bình không thỏa điều kiện cho các cơ chế quốc tế về xóa nợ.

Lào tiếp bước Sri Lanka?

Quả bom nợ của Sri Lanka đã đưa các quốc gia như Lào vào tầm ngắm khủng hoảng kinh tế của châu Á. Quốc gia Đông Nam Á này đã phải hứng chịu những rắc rối tương tự như ở Sri Lanka trong thời gian hiện tại. Đáng chú ý nhất là hàng dài phương tiện giao thông tại các trạm xăng ở thủ đô Viêng Chăn và ở các thị trấn khác, khi giá nhiên liệu tăng cao và tình trạng khan hiếm trở nên tồi tệ hơn trong suốt mùa hè.

Vào giữa năm 2022, lạm phát ở Lào đã tăng lên mức kỷ lục 25% so với cùng kỳ năm ngoái, giá xăng tăng lên 107,1% so với năm trước và giá trị của đồng kip, đồng nội tệ, đã giảm mạnh - giao dịch ở mức 19.000USD trên thị trường chợ đen vào tháng 8.

Chuông cảnh báo ở Bangladesh

Biểu tình phản đối tăng giá năng lượng ở Bangladesh.
Biểu tình phản đối tăng giá năng lượng ở Bangladesh.

Tại Bangladesh, nơi có môi trường chính trị tự do hơn, bóng ma khủng hoảng kinh tế lần đầu tiên xuất hiện trên các trạm xăng. Vào giữa năm nay, chính phủ Bangladesh đã tăng đáng kể giá nhiên liệu để giảm bớt căng thẳng về nguồn dự trữ ngoại hối đang cạn kiệt, vốn đã giảm xuống 38,91 tỉ USD, đủ cho 5 tháng nhập khẩu, từ mức 45,5 tỉ USD một năm trước đó.

Việc tăng giá nhiên liệu khiến chi phí thiết yếu tăng vọt và dẫn đến bùng nổ các cuộc biểu tình trên toàn quốc. 

Nhưng chính phủ đang gặp khó khăn khi phải giảm giá nhiên liệu - tình trạng thiếu USD của họ đang bắt đầu giống với Sri Lanka. Vào tháng 7, chính phủ đã tìm kiếm sự trợ giúp của IMF để giải quyết vấn đề khó khăn trong cán cân thanh toán, do thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng gia tăng. Rất may cho chính phủ, nợ nước ngoài của họ tương đối thấp, ở mức 93,2 tỉ USD tính đến tháng 3, chiếm khoản 29% GDP và nằm trong mức khuyến nghị tối đa của IMF.

Maldives, nước láng giềng phía tây nam của Sri Lanka, cũng đã chật vật tương tự. Theo số liệu thống kê của chính phủ, nền kinh tế 5 tỉ USD, có dự trữ ngoại hối trung bình 892 triệu USD vào năm ngoái, phải trả 250 triệu USD nợ nước ngoài trong năm nay, 362 triệu USD vào năm 2023 và 238 triệu USD vào năm 2024. 

Pakistan cũng đang đứng trước bờ vực suy thoái kinh tế, với phần lớn đất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỉ USD bị phá hủy do lũ lụt gần đây. Lạm phát dao động ở mức 38% và đồng rupee đã giảm 25% kể từ đầu năm.

Vào tháng 6 năm nay, Trung Quốc đã ký một khoản cho vay trị giá 2,3 tỉ USD với Pakistan để bồi đắp nguồn dự trữ đang cạn kiệt của nước này. 

Trung Quốc sẽ chịu đòn?

Cho đến nay, Trung Quốc dường như vẫn giữ thái độ kiên định. "Cần có các cơ chế tái cơ cấu nợ hiệu quả hơn trong bối cảnh lo ngại về nợ ngày càng tăng.”

Nếu Trung Quốc đồng ý tham gia một cuộc thảo luận của tất cả các chủ nợ của Sri Lanka và chấp nhận thiệt hại tương tự như các chủ nợ tư nhân, thì các ngân hàng chính sách của Trung Quốc như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, những người đã cho các nước trong khu vực vay hàng tỷ đô la, sẽ chịu áp lực đưa ra các điều khoản tương tự cho các quốc gia khác. Đây là điều mà Bắc Kinh không muốn.

Có thể bạn quan tâm:

“Mùa Halloween” của thị trường nhà ở toàn cầu

Nguồn Nikkei Asia