Thứ Bảy | 11/10/2014 07:45

S&P 500 ghi nhận tuần giảm mạnh nhất 2 năm

Trong tuần qua, chứng khoán Mỹ biến động liên tục do lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và triển vọng tăng lãi suất tại Mỹ.
Chỉ số S&P 500 giảm 1,1% xuống 1.906,13 điểm vào lúc 16h00 tại New York và giảm 3,1% trong cả tuần. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2012. Chỉ số này đã giảm liên tiếp 3 tuần qua, ghi nhận đợt giảm điểm dài nhất 9 tháng.


Chỉ số S&P 500 (Nguồn: Bloomberg)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/10, chỉ số Dow Jones giảm 0,7% xuống 16.544,10 điểm.


Chỉ số Dow Jones (Nguồn: Bloomberg)

Khoảng 9,2 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ, ghi nhận khối lượng giao dịch lớn nhất 3 tuần qua, theo số liệu của Bloomberg. Khối lượng giao dịch trong cả tuần đạt 7,9 tỷ cổ phiếu - lớn nhất kể từ năm 2011.

Chỉ số VIX, theo dõi biến động chứng khoán Mỹ, vượt ngưỡng 20 điểm lần đầu tiên trong 8 tháng qua. Trong cả tuần chỉ số này đã tăng 46%. Biến động thị trường liên tục tăng mạnh trong vài phiên giao dịch gần đây do chứng khoán Mỹ lên xuống thất thường.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm sau 16h00 khi các sàn đã đóng phiên.

Trong tuần này, Quỹ Tiền tệ quốc (IMF) tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,3% trong năm 2014 và 3,8% trong năm tiếp theo. Báo cáo này đã dấy lên lo ngại về tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như làn sóng bán tháo trên các thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gặp bế tắc với Đức trong nỗ lực phục hồi tăng trưởng của khu vực thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại lo ngại, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm có thể ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ.

Đã có 3,5 nghìn tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu kể từ sau khi lên kỷ lục hồi tháng 9.

Sau IMF và biên bản họp Fed, thị trường sẽ hướng tâm điểm vào mùa báo cáo doanh thu của các doanh nghiệp lớn. Trong tuần qua, đã có ít nhất Samsung và PepsiCo công bố báo cáo doanh thu quý III.

Nguồn Theo DVO/ Bloomberg


Sự kiện