S&P 500 đi ngang sau số liệu sản xuất
Diễn biến chỉ số S&P 500 (Nguồn: Bloomberg)
Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung cấp điện, nước, vật liệu và công nghệ tăng hơn 0,2% trong khi cổ phiếu của lĩnh vực y tế và công nghiệp giảm mạnh nhất với 0,4%.
Chỉ số Dow Jones của ngành công nghiệp giảm 0,2% xuống 16.826,6 điểm và tăng 2,2% trong cả quý II.
Diễn biến chỉ số Dow Jones (Nguồn: Bloomberg)
Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,2% trong ngày 30/6 và 5% trong cả quý II.
Diễn biến chỉ số Nasdaq Composite (Nguồn: Bloomberg)
Có hơn 5,7 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ, thấp hơn 4,7% so với mức trung bình 3 tháng. Chỉ số thể hiện biến động của chứng khoán Mỹ theo giá hợp đồng quyền chọn VIX tăng 2,8% lên 11,57 điểm, ghi nhận mức gần thấp nhất từ tháng 2/2007.
Trong phiên giao dịch đầu, chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều tăng điểm sau khi chính phủ Mỹ cho biết, số hợp đồng bán nhà cũ tại Mỹ đã tăng 6,1% trong tháng 5. Đây là mức tăng lớn nhất trong hơn 4 năm, cho thấy, thị trường bất động sản nhà ở đang lấy lại đà phục hồi sau khởi đầu năm ảm đạm.
Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường lại ghi nhận tin tức tiêu cực về tình hình kinh doanh khi Viện quản lý nguồn cung - Chicago cho biết, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ giảm xuống 62,6 điểm trong tháng 6 so với mức 65,5 điểm của tháng trước và mức dự báo 63 điểm của các chuyên gia.
Tuần này, thị trường chứng khoán nói riêng và các thị trường tài chính tại Mỹ nói chung sẽ theo dõi sát sao báo cáo việc làm của Mỹ vào ngày 3/7 trước khi bước vào nghỉ lễ Quốc Khánh.
Đồng thời, giới đầu tư cũng có cơ hội đánh giá sự tăng trưởng của nền kinh tế khi các doanh nghiệp bắt đầu công bố báo cáo tài chính trong tháng 7. Theo số liệu ước tính của Bloomberg, doanh số của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 sẽ tăng 5,2% trong quý II với doanh số bán hàng tăng 3,2%.
Nguồn Theo DVO/ Bloomberg