South Stream - Dòng chảy của những toan tính
Cách đây nửa năm, khi giá dầu thiết lập mức đỉnh do căng thẳng tại khu vực Trung Đông, Nga và các đối tác Vùng Balkan đã đặt nhiều kỳ vọng cho việc triển khai dự án South Stream (Dòng chảy phương Nam) dẫn khí đốt từ Nga sang Trung và Nam Âu qua Biển Đen vào cuối năm.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine và những diến biến trên thị trường “vàng đen”, buộc Tổng thống Nga V.Putin trong chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tuyên bố hoãn thực hiện dự án đầy tham vọng này.
Dưới sức ép của Liên minh châu Âu (EU), sự phản đối của Bulgaria về triển khai Dòng chảy phương Nam được coi là biểu tượng cho sự sát cánh của lục địa già với Ukraine. Tất nhiên việc tránh cho Kiev mất một khoản phí trung chuyển khổng lồ chỉ là một cái cớ được đưa ra để lý giải cho quyết định của Bulgaria, vì sâu xa hơn là tham vọng chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga và dành ưu tiên cho dự án “con cưng” Nabucco của Mỹ - EU được thiết kế để dẫn khí đốt từ Caspian sang châu Âu.
Nga với tham vọng tăng 25% nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu sẽ không dễ dàng chấp nhận thua trong cuộc chiến trở thành nhà cung cấp “vàng đen” hàng đầu thế giới. Nga sẽ xây dựng Dòng chảy Xanh qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ – đường ống có công suất 63 tỷ m3/năm để cung cấp cho khách hàng tại Nam Âu. Để đạt được thỏa thuận này, Matxcơva buộc phải “hy sinh” thêm 3 tỷ m3 khí/năm và giảm 6% giá bán cho Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 1/1/2015.
Với sự phê chuẩn của Ankara về Dòng chảy Xanh, Tổng thống Putin đã có đủ điều kiện để phản đối sự can thiệp dẫn đến thiệt hại về kinh tế của EU với các nước thành viên. Đáp trả lại chỉ trích này, EU cho rằng, việc Dòng chảy phương Nam bị chặn lại cho thấy ảnh hưởng của các đòn trừng phạt cũng như diễn biến từ thị trường dầu mỏ tới kinh tế Nga.
Thiệt hại hay lợi ích của các bên trong việc dừng Dòng chảy phương Nam và khai thông Dòng chảy Xanh còn chưa rõ nhưng diễn biến này cho thấy, chừng nào năng lượng còn là con át chủ bài trong một cuộc chơi kinh tế, địa chính trị khắc nghiệt, Dòng chảy phương Nam hay Dòng chảy Xanh chỉ là sự khác biệt về tên gọi, còn thực chất vẫn là các toan tính của Nga và phương Tây.
Nguồn Báo Kinh tế Đô Thị