Ảnh: TL.

 
Văn Quốc Thứ Ba | 17/08/2021 07:33

Sóng M&A trong ngành hàng xa xỉ

Làn sóng M&A đang quét qua ngành hàng xa xỉ, đặc biệt kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Không có thời gian để thích ứng

Giorgio Armani, nhà thiết kế thời trang huyền thoại 87 tuổi người Ý, từ lâu khăng khăng bảo vệ tính độc lập chủ quyền của công ty mình thậm chí khi các đối thủ như Fendi và Gucci bị nuốt chửng bởi LVMH và Kering, những tập đoàn hàng xa xỉ Pháp đang chiếm lĩnh thị trường xa xỉ toàn cầu. Thế nhưng, tháng 4 vừa qua, Giorgio trả lời Tạp chí Vogue rằng “đơn thương độc mã là không nhất thiết” và “có thể nghĩ đến việc liên minh với một công ty Ý quan trọng”.

Ảnh: ft.com
Ảnh: ft.com

Lời nói úp mở này đã thu hút sự chú ý của những người mua tiềm năng. Exor, công ty holding của gia đình tỉ phú Agnelli có sở hữu cổ phần trong các hãng xe Stellantis và Ferrari, đã tiến hành đàm phán với Armani, theo nguồn tin thân cận với vụ việc. Cuộc đàm phán mua lại này, được giới phân tích định giá khoảng 7 tỉ euro, đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Dù tương lai của Armani thế nào, thương vụ đàm phán này đã cho thấy dịch COVID-19 đang bắt đầu vẽ lại bản đồ trong ngành hàng xa xỉ thế giới.

Quy mô, năng lực tài chính và sức ảnh hưởng toàn cầu là lớp đệm vững chắc giúp LVMH, Kering và Hermès giảm sốc trước tác động tiêu cực từ COVID-19 và cho họ không gian để phục hồi mạnh mẽ hơn so với các đối thủ. Nhưng các thương hiệu xa xỉ khác với vị thế yếu hơn sẽ mất thời gian lâu hơn mới có thể hồi phục.Vì thế, không có gì khó hiểu khi các công ty gia đình của Ý như Armani buộc phải cân nhắc con đường M&A hoặc liên kết liên doanh, từng được xem là điều cấm kỵ đối với họ.

“Một thay đổi lớn là việc một số thương hiệu nhận ra rằng đơn thương độc mã sẽ là một hành trình đầy thách thức”, Marco De Benedetti, Giám đốc Điều hành Carlyle Group, nhận định. “Không chỉ do đại dịch. Mọi việc đang chuyển biến quá nhanh và các nhãn hàng có quá ít thời gian để thích ứng”, ông giải thích thêm.

Dịch COVID-19 bùng phát khiến tình hình tài chính của các công ty gặp khó khăn. Bên cạnh đó là sự chuyển hướng sang online và số hóa cùng với chi phí đi kèm xu hướng chuyển đổi này, từ đó càng tăng tốc xu hướng M&A trong ngành. “Với tình hình tài chính khó khăn, nhiều người chơi sẽ trở thành những mục tiêu thâu tóm với giá phải chăng hơn”, bà Isabelle Chaboud, Giáo sư Khoa Tài chính, Kế toán và Luật tại Grenoble Ecole de Management, nhận xét.

 

M&A tìm lối thoát hiểm

Quý vừa qua đã chứng kiến thêm nhiều thương vụ M&A, tiếp nối sự nhộn nhịp kể từ đầu mùa dịch. Cuối tháng 7, Aeffe (Ý) thâu tóm 30% cổ phần còn lại trong Moschino, nắm quyền kiểm soát hoàn toàn công ty này. Trong khi đó, gia tộc Etro quyết định bán số cổ phần lớn trong công ty thời trang của mình cho L Catteron, một công ty đầu tư tư nhân do LVMH hậu thuẫn, với giá 500 triệu euro. Cũng trong tháng 7, LVMH đã thâu tóm cổ phần trong Off-White và Phoebe Philo, hay Nordstorm sở hữu cổ phần trong 4 nhãn hàng may mặc do hãng thời trang Anh ASOS sở hữu.

Trước đó, vào tháng 6, Kering thâu tóm cổ phần trong Cocoon, một startup cho thuê hàng xa xỉ có trụ sở ở Anh. Gregory Boutte, Giám đốc Khách hàng và số hóa của Kering, cho biết thương vụ này là một phần trong chiến lược lớn hơn của Hãng nhằm đầu tư vào các công ty trẻ, cải tiến và sáng tạo. 

Cuối năm ngoái, Alibaba và Richemont đầu tư 1,1 tỉ USD vào Farfetch, một nhà bán lẻ thời trang xa xỉ trực tuyến. Cùng lúc đó, Artemis (nắm cổ phần khống chế tại Kering) tuyên bố sẽ tăng tỉ lệ sở hữu trong Farfetch. LVMH cũng thâu tóm Tiffany trong thương vụ trị giá 15,8 tỉ USD.

“Những người chơi mạnh nhất về tài chính như LVMH, Kering hay Chanel không nghi ngờ gì sẽ chọn mua lại các đối thủ, nhà thầu phụ thậm chí các nhà cung cấp”, Chaboud, thuộc Grenoble Ecole de Management, nhận định.

 

Thực vậy, không chỉ các thương hiệu xa xỉ, những nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng xa xỉ như da, dệt may cũng nằm trong tầm ngắm. Một số bị thâu tóm bởi các công ty lớn như thương vụ Prada và Zegna bắt tay mua lại một nhà cung cấp sợi cashmere vào tháng 6.

Các nhà đầu tư tài chính cũng tỏ ra hứng thú. Francesco Trapani, một cựu nhà điều hành trong ngành xa xỉ, đã bắt đầu thâu tóm những nhà cung cấp nhỏ và vừa để xây dựng một đế chế mới mạnh hơn. Cùng với các nhà đầu tư, ông đã sáng lập Gruppo Florence vào tháng 10.2020 để tạo ra một nền tảng sản xuất phục vụ các thương hiệu xa xỉ. “Đến nay chúng tôi đã mua lại 6 công ty, tất cả đều tập trung vào dệt may và có thêm 3 công ty khác trong tầm ngắm của chúng tôi”, Trapani nói.

Nhưng các nhãn hàng yếu thế hơn sẽ không ngồi yên “chờ chết”. Tháng 12 năm ngoái, Remo Ruffini, ông chủ của Moncler, đã tiết lộ thương vụ đầu tiên của ông trị giá 1,2 tỉ euro thâu tóm Stone Island, một nhãn hàng thể thao được nhiều người nổi tiếng ưa chuộng.

Từ lâu bị xem là một mục tiêu thâu tóm, động thái của Ruffini mở ra một khả năng là thay vì trở thành món ăn kế tiếp của những ông lớn như Kering, Moncler có thể nuốt chửng các nhãn hàng khác, trở thành một thế lực lớn hơn trên thị trường quốc tế. Roberto Costa, đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư ngành xa xỉ toàn cầu tại Citigroup, cho biết Moncler và Stone đã đặt ra một tiền lệ mà các nhãn hàng xa xỉ Ý khác có thể noi theo. “Họ đã cho thấy rằng có một con đường mới hoàn toàn khác với lựa chọn cũ - hoặc vẫn độc lập nhưng ở quy mô nhỏ, hoặc bán lại cho người Pháp”, ông nói.

Theo Costa, mặc dù ngành này nhìn chung vẫn khả quan nhưng nhu cầu gia tăng đối với việc đầu tư vào mọi thứ từ sản phẩm, marketing, bán lẻ và số hóa cũng buộc họ phải thay đổi. Vì thế, một số công ty đã phải tìm kiếm đối tác hoặc cân nhắc liên minh liên kết. Mặt khác, dù nhiều thương hiệu xa xỉ vẫn là công ty gia đình do các nhà sáng lập nắm quyền, nhưng với các thế hệ trẻ hơn bắt đầu kế thừa thì tính độc lập chủ quyền có thể không được đánh giá quá cao so với những lợi ích mà quy mô có thể mang lại. “Thế hệ kế thừa nắm quyền có thể là một nhân tố khác dẫn đến sự thay đổi”, De Benedetti của Carlyle nhận xét.