Ngày nay hãng công nghệ sinh học Đức là một cái tên hộ gia đình với doanh thu lên tới 19 tỉ USD năm 2021. Ảnh: Getty images
Sóng M&A công nghệ sinh học
Cách đây 3 năm, không ai nghe nói đến BioNTech. Ngày nay hãng công nghệ sinh học Đức là một cái tên hộ gia đình với doanh thu lên tới 19 tỉ USD năm 2021. Tiếng tăm này chủ yếu nhờ thành công của vaccine mRNA ngừa COVID-19 mà Hãng phát triển chung với tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer. Nhưng nay vaccine ngừa COVID-19 cũng không thể giúp BioNTech miễn nhiễm trước cơn bão suy thoái đang quét qua ngành công nghệ sinh học.
Đầu tuần qua, BioNTech cho biết doanh số bán quý II/2022 đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, khi ngày càng nhiều người dân chọn không tiêm hoặc không tiếp tục tiêm mũi tăng cường. Giá cổ phiếu của BioNTech đã giảm gần 9% sau thông tin trên. Ngay sau đó, Novavax cũng tuyên bố giảm dự báo doanh thu năm 2022 xuống còn 2-2,3 tỉ USD, chưa bằng phân nửa con số 4-5 tỉ USD dự báo trước đó. Lý do được hãng này đưa ra là nhu cầu đối với vaccine COVID-19 của Hãng giảm mạnh.
Thực vậy, ngành công nghệ sinh học đặc biệt dễ bị tổn thương trước đà tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, lạm phát cao hơn và lãi suất gia tăng. Giống như các startup công nghệ khác, lãi suất tăng khiến cho triển vọng lợi nhuận trong tương lai kém lạc quan hơn. Nhưng không giống các công ty phần mềm, các công ty công nghệ sinh học cần được tiếp vốn liên tục để nghiên cứu, phát triển những loại thuốc mới, vốn mất rất nhiều thời gian và tiền bạc mà chưa chắc cho ra kết quả như mong đợi.
Trong quá khứ, dòng tiền rất dễ tiếp cận. Bằng chứng là năm 2021, các startup công nghệ sinh học đã huy động được 34 tỉ USD trên toàn cầu, gấp 2 lần năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2021, có tới 61 startup công nghệ sinh học đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) chỉ riêng ở Mỹ. Nhưng kể từ đó, dòng tiền ngày càng trở nên khan hiếm hơn. Nửa đầu năm 2022 chỉ có 14 doanh nghiệp tiến hành IPO tính riêng ở Mỹ. Vốn cấp cho các công ty công nghệ sinh học tư nhân cũng giảm xuống. Lý do là các ngân hàng không muốn cho vay những công ty ở giai đoạn đầu, vì lo ngại các loại thuốc, liệu pháp điều trị của các công ty này có thể sẽ chẳng bao giờ ra khỏi được phòng thí nghiệm.
Trước tình hình này, nhiều công ty công nghệ sinh học đã phải sa thải lao động. Atara và MacroGenics, chẳng hạn, đã công bố các đợt sa thải lớn. Một chỉ số các công ty công nghệ sinh học niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) đã giảm tới 25% kể từ mức đỉnh cách đây 1 năm, cao hơn cả mức giảm chung của chỉ số Nasdaq. Định giá của các công ty công nghệ sinh học chưa niêm yết cũng giảm nhanh chưa từng có, theo Lain Anderson, đối tác tại L.E.K. Consulting.
Tình thế đảo ngược tại các startup công nghệ sinh học đã khiến số đông nhà đầu tư hoảng sợ, rút vốn ồ ạt. Nhưng đối với một số người chơi khác, đây là cơ hội vàng khi giá nhiều startup trở nên rất rẻ, đặc biệt là những công ty có các phương pháp điều trị đã được chứng minh có hiệu quả hoặc có các loại thuốc đang được thử nghiệm ở giai đoạn sau.
“Các công ty đầu tư mạo hiểm đã huy động hơn 100 tỉ USD để đầu tư vào những công ty trong lĩnh vực khoa học đời sống trong 3 năm qua”, ông Tim Haines, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Đối tác điều hành của Abingworth, một công ty quản lý tài sản chuyên về lĩnh vực công nghệ sinh học, nhận xét. Họ vẫn còn lượng tiền mặt lớn chưa giải ngân và sẵn sàng rót vào ngay khi nhìn thấy cơ hội.
Nhóm của Porges đưa ra dự báo này dựa trên lượng tiền mặt sẵn có và khả năng vay nợ mới của các công ty này. Ảnh: Getty Images |
Các hãng dược lớn đặc biệt thèm khát những startup công nghệ sinh học sở hữu danh mục thuốc đang nghiên cứu và phát triển đầy tiềm năng. Những gã khổng lồ trong ngành dược sẽ chứng kiến một số bằng sáng chế trị giá 300 tỉ USD hết thời hạn bảo hộ vào năm 2030, theo ông Haines. Do đó, họ sẽ càng tích cực mua vào trong thời điểm mức định giá của các công ty công nghệ sinh học đang rẻ hơn rất nhiều so với trước.
Đồng quan điểm, ông Glenn Hunzinger, đứng đầu mảng khoa học đời sống và dược phẩm Mỹ tại PwC, cho rằng ngoài mức định giá rẻ hơn, việc săn tìm các công ty công nghệ sinh học triển vọng để điền vào danh mục sản phẩm còn trống cho năm 2024 và những năm tiếp theo sẽ là chất xúc tác thúc đẩy cơn sốt M&A năm nay.
Theo một báo cáo của chuyên gia phân tích Geoffrey Porges và nhóm của ông tại SVB Leerink, 18 hãng dược lớn sẽ nắm trong tay 1.720 tỉ USD sẵn sàng cho M&A trong năm nay. Nhóm của Porges đưa ra dự báo này dựa trên lượng tiền mặt sẵn có và khả năng vay nợ mới của các công ty này. Trong đó, J&J đứng đầu danh sách với hơn 200 tỉ USD. Theo sau là Pfizer với 175 tỉ USD và Novatis 154 tỉ USD. AbbVie, GSK, Bristol Myers Squibb và Merck mỗi công ty sẽ có sẵn hơn 100 tỉ USD cho cuộc chơi M&A.
Trong đó, Pfizer là một trong những người chơi tích cực nhất khi đang nhắm đến các startup ở giai đoạn sau nhằm tăng doanh thu năm 2030 thêm 25 tỉ USD. Gần nhất là vào ngày 8/8/2022 Pfizer đã chấp thuận trả 5,4 tỉ USD mua lại Global Blood Therapeutics, một nhà sản xuất phương pháp điều trị bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm, đưa tổng giá trị M&A của hãng dược Mỹ lên tới hơn 25 tỉ USD trong 12 tháng qua.
Liệu BioNTech, đối tác phát triển chung vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer, có nằm trong tầm ngắm của hãng dược này? Mặc dù vốn hóa thị trường của BioNTech đã giảm 50% so với mức đỉnh cách đây 1 năm, nhưng công ty này vẫn trị giá gấp 5 lần so với mức định giá trước thời điểm dịch bùng phát. Dù vậy, với lượng tiền mặt dồi dào của Pfizer và các hãng dược lớn khác, sẽ khó nói trước được điều gì.
Nguồn Tổng hợp